Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) vừa đăng tin thông báo đấu giá lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của Ngân hàng TMCP An Bình (An Bình). Theo đó tài sản đấu giá là thửa đất rộng 170 m2 ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai với giá khởi điểm là 3 tỷ đồng,
Được biết, hiện nay VAMC đang giữ rất nhiều khoản nợ xấu của các ngân hàng, ước lên tới hàng nghìn tỷ đồng và công ty này cũng đang từng bước rao bán các khoản nợ.
Trong khi đó tại các ngân hàng thương mại, việc bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ xấu cũng được thực hiện. Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VIB), tại mục thanh lý tài sản đã đăng bán hàng trăm chiếc xe ô tô. Mới nhất là tin rao bán xe Kia -Morning giá 195 triệu đồng. Ngoài ra, ngân hàng này cũng rao bán nhiều loại xe sang. Trong đó, một chiếc Mercedes C200 khác với giá thương lượng.
Không chỉ xe sang mà nhiều biệt thự, nhà đất giá trị lớn cũng đang được ngân hàng rao bán. Tại VietinBank, ngân hàng đăng tin cần bán quyền sử dụng 404,4 m2 đất và tài sản gắn liền với đất là toà nhà 7 tầng tại thửa đất số 93, tờ bản đồ 43, phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với trị giá 17 tỷ đồng.
Còn tại Sacombank nhiều tài sản liên quan đến đất, trong đó có ngôi nhà tại phố Nhật Chiêu, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ cũng được đưa lên sàn để thanh lý.
Như vậy, các ngân hàng đang rốt ráo phát mãi tài sản để thu hồi nợ xấu trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 kéo dài. Ông Nguyễn Huy Tài, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SHB từng chia sẻ, Covid -19 ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng, việc xử lý nợ xấu và tương tác với khách hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị từ chối gặp gỡ nhân viên ngân hàng trong bối cảnh dịch, phương thức trao đổi qua qua email, điện thoại cũng không hiệu quả bởi nhiều khách hàng không nghe điện thoại, không trả lời email.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB) thừa nhận, rủi ro và chất lượng tài sản ở hoạt động cho vay năm 2021 rất đáng băn khoăn. “Chúng tôi kỳ vọng năm 2021 sẽ kiểm soát được nợ xấu dưới 1% theo Nghị quyết trình Đại hội cổ đông. Tuy nhiên, thực tế thì nợ xấu diễn biến theo mức độ tác động của dịch bệnh và một số yếu tố tác động khách quan khác”, ông Hùng Huy nói.
Đại diện nhiều ngân hàng còn bày tỏ lo ngại đến từ các khách hàng kinh doanh khách sạn, dịch vụ lưu trú, là những lĩnh vực bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), chính sách cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, không chuyển nhóm nợ để hỗ trợ DN theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN khiến một phần nợ xấu đang ở dạng tiềm ẩn sẽ dần dần hiện hình khi thời hạn của các thông tư này kết thúc.
Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cũng cho biết, từ 15/8/2017 đến nay, dư nợ tín dụng của cả hệ thống vẫn tiếp tục tăng thêm trong khi dịch bệnh kéo dài, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình đốn, kéo theo nợ xấu tăng và tình hình nợ xấu hiện nay vẫn chưa phản ánh hết ảnh hưởng của dịch Covid-19.
T. Hằng