Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa có báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong tháng 12 và cả năm 2021.
Theo đó, trong tháng 12/2021, thị trường ghi nhận 80 đợt phát hành với tổng giá trị 65.757 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng dẫn đầu với khối lượng trái phiếu phát hành đạt 46.926 tỷ đồng, chiếm 71,36% tổng giá trị phát hành trong tháng. Đứng liền sau là nhóm bất động sản với 9.538 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng giá trị phát hành.
Trước đó, tại tháng 11/2021, bất động sản vẫn là nhóm ngành dẫn đầu giá trị phát hành với 8.476 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành. Ngân hàng chỉ xếp thứ 2 với tổng giá trị phát hành 7.950 tỷ đồng, chiếm 39% tổng giá trị phát hành.
Lũy kế năm 2021, có tổng cộng 964 đợt phát hành TPDN trong nước, trong đó có 937 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 570.000 tỷ đồng (chiếm 95,8% tổng giá trị phát hành). Cùng với đó là 23 đợt phát hành ra công chúng giá trị 26.340 tỷ (chiếm 4,6% tổng giá trị phát hành) và 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế với tổng giá trị 1,425 tỷ USD.
Trong năm 2021, nhóm ngân hàng thương mại đã dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 223.010 tỷ đồng, trong đó có 55.300 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 (chiếm 25%), 73% trái phiếu phát hành kỳ hạn ngắn 2-4 năm.
Một số ngân hàng có khối lượng phát hành đáng chú ý trong năm là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 17.030 tỷ đồng, kế đó là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với 13.350 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng, tháng 12 là thời điểm phát hành nhiều nhất với tổng giá trị 46.926 tỷ đồng (chiếm trên 1/5 tổng khối lượng phát hành của cả năm 2021).
Nhóm bất động sản xếp thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 214.440 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8-13% một năm, nhưng có một số doanh nghiệp có mức lãi suất phát hành chỉ ở mức khoảng 5-6% một năm.
Kỳ hạn 1-3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong năm với 142.389 tỷ đồng, chiếm 67,33%.
Trong năm 2021, có 4 đợt phát hành ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD), trái phiếu bền vững của Vinpearl (425 triệu USD).
Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo FiinGroup, năm 2022, việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu chắc chắn sẽ rất khó khăn. Bởi lẽ, khi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đảo nợ của ngân hàng thương mại sẽ bị ngăn chặn.
Ngoài ra, với việc đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có dấu hiệu tăng trưởng nóng, xuất hiện một số hiện tượng huy động vốn trái phiếu chưa tuân thủ quy định của pháp luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Gần đây, Bộ Tài chính đã đề xuất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ.
Theo đó, Dự thảo mới được xây dựng với hướng bổ sung quy định, doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng; bổ sung quy định về Đại diện người sở hữu trái phiếu; bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp.
Đồng thời Dự thảo sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.
Sửa đổi một số quy định về thời hạn và nội dung công bố thông tin nhằm khắc phục những bất cập thời gian vừa qua, đồng thời tăng cường tính minh bạch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và việc sử dụng vốn phát hành TPDN.
Dương Thị Thu Nga