Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý 2/2021, thị trường bất động sản ghi nhận 29.949 giao dịch thành công. Tổng lượng giao dịch bình quân tăng 18% so với quý trước và đạt khoảng 101% so với cùng kỳ năm 2020.

Đối với nhà ở, thị trường trong quý 2 cơ bản vẫn phát triển ổn định, giá giao dịch tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu là nhà ở trung cấp và cao cấp, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp còn rất hạn chế. Trong đó, nguồn cung nhà ở sơ cấp từ các dự án mở bán tiếp tục giảm so với năm 2020.

leftcenterrightdel
Nhiều chuyên gia cho rằng bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa) 

Trao đổi với Zingnews, Bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng, bất động sản (BĐS) vẫn là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đây cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia.

Theo bà Hằng, một trong những điểm nóng đầu tư hiện nay là xu hướng mở rộng ra khu vực vùng ven. Khi hạ tầng được cải thiện, việc di chuyển ngày càng dễ dàng hơn, cộng thêm yếu tố giá phù hợp, thì nhu cầu nhà ở cũng có xu hướng thay đổi.

Đối với khu vực nội đô, đại diện Savills Hà Nội cho rằng BĐS nhà ở có thương hiệu là dòng sản phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Điểm sáng của thị trường là hạng mục biệt thự và nhà liền kề khi những vấn đề pháp lý đã được giải quyết trong thời gian qua. Từ nay đến cuối năm, theo bà Hằng, đây tiếp tục là phân khúc có sức hấp dẫn với nguồn cung tăng nhanh.

Bà Lê Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Thương hiệu Công ty Bất động sản Tuấn 123 thì cho rằng thị trường nhà ở sẽ tăng trưởng tốt khi nhu cầu về mua ở và đầu tư nhà đất vẫn rất cao, ít chịu tác động từ Covid-19, theo Zingnews. Phân khúc được quan tâm nhiều sẽ là đất nền, chung cư phân khúc trung cấp, cao cấp.

Dự báo về thị trường BĐS những tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi vào khoảng quý IV sau khi có thể khống chế dịch bệnh trong quý III.

Theo đó, ông Đính cho rằng giá nhà, giá đất không những không giảm mà có xu hướng tăng. Đặc biệt, ngay trong bối cảnh dịch bệnh, vẫn có những dự án tăng giá khi đủ cơ sở pháp lý, bất chấp không thể tiêu thụ ngay trong lúc này. Điều này phản ánh tâm lý của nhiều nhà đầu tư đang coi bất động sản là kênh "trú ẩn" an toàn, thậm chí là tính xa hơn cho cơ hội sau dịch.

leftcenterrightdel
 Dự báo giá nhà và đất sẽ tăng nhanh khi dịch bệnh được khống chế. (Ảnh minh họa)

Về thách thức, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định sẽ có nhiều vấn đề đặt ra. Nhiều thủ tục hành chính và hệ thống văn bản pháp luật thiếu hoặc chưa đồng bộ gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp. Vấn đề khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản cũng được nhắc tới, có thể gián tiếp giảm nguồn cung thị trường...

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn tiếp tục duy trì thực hiện kế hoạch, mục tiêu lợi nhuận cao hơn năm 2020 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Ngoài ra, trên cả nước, các doanh nghiệp BĐS vẫn rất tích cực bám thị trường, đẩy thanh khoản ngay cả trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thông qua nhiều hình thức như giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Các sàn giao dịch cũng ghi nhận về nhu cầu mua nhà ở của người dân khá tích cực, nhất là tại các thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM, Hà Nội...

Các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS nhận định, BĐS vẫn là nơi trú ẩn tài sản vừa bảo đảm tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo nhà đầu tư nên xem xét kỹ lưỡng để tránh các "dự án ma", tình trạng sốt đất ảo,... 

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương vẫn tăng nhưng không nhiều, bình quân khoảng 3% so với quý trước, lượng giao dịch đối với nhà ở riêng lẻ bằng khoảng 120% so với thời điểm cuối năm 2020. Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Mặc dù dịch Covid-19 bùng phát trở lại nhưng kinh doanh BĐS vẫn là lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2021, đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực kinh doanh BĐS tăng 44,8%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là 831 doanh nghiệp, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyễn Luận (T/h)

Nguồn Kinh tế và Môi trường
Link bài gốc

https://kinhtemoitruong.vn/nhu-cau-nha-o-cao-gia-nha-dat-chua-co-dau-hieu-giam-58595.html