Cụ thể, cơ quan chức năng Pháp vừa phát đi thông báo thu hồi sản phẩm mì tôm chua cay Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mì Đệ Nhất và mì lẩu thái của Công ty Acecook Việt Nam xuất sang thị trường này.

Các lô hàng bị thu hồi tại Pháp lần này có hạn sử dụng tới tháng 3, tháng 5, tháng 8 và tháng 9/2022. Thời hạn được phía Pháp yêu cầu thu hồi là trước ngày 31/1/2022.

Lý do thu hồi là các sản phẩm trên chứa 2-chloroetanol (2-CE, chất chuyển hóa từ Ethylene Oxide – EO) vượt ngưỡng cho phép tiêu chuẩn của EU.


 Mỳ Hảo Hảo vị tôm chua cay của Acecook Việt Nam. (Ảnh: Zing)

Đây là lần thứ hai các sản phẩm mì ăn liền của Acecook Việt Nam xuất sang châu Âu bị yêu cầu thu hồi. Hồi tháng 8, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) cũng có động thái tương tự đối với hai sản phẩm mì Hảo Hảo tôm chua cay (loại 77g, lô hạn sử dụng đến 24/9/2022) và miến ăn Good vị sườn heo (loại 56g, lô hạn sử dụng đến 10/11/2022) của Acecook Việt Nam, cùng vì lý do chứa 2-CE vượt ngưỡng cho phép theo quy định của EU.

Đại diện Acecook Việt Nam đã xác nhận thông tin trên và cho biết, đang phối hợp cùng với đại lý phân phối tại Pháp thu hồi sản phẩm. Công ty cũng nhấn mạnh đây là diễn biến tiếp theo của sự việc ở Ireland hồi tháng 8, và việc thu hồi là do Acecook tự chủ động đề xuất thu hồi với phía Pháp.

“Ngoài việc chủ động thu hồi sản phẩm tại thị trường Pháp, các đại lý cũng thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng và cơ quan chức năng về các lô sản phẩm trên”, đại diện Acecook nói.

Liên quan đến sự việc trên, trước đó Acecook Việt Nam cho biết đã đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm tại Trung tâm phân tích Eurofins. Kết quả thử nghiệm cho thấy mì Hảo hảo tôm chua cay nội địa không có chất Ethylene Oxide và chỉ có một lượng rất nhỏ 2-CE với hàm lượng 1,17 ppm. Bộ Công Thương cũng đã tiến hành rà soát, kiểm tra lại toàn bộ danh mục sản phẩm và quy trình sản xuất sản phẩm đang phân phối trong nước của doanh nghiệp, kết quả cho thấy các sản phẩm bán trong nước của Acecook Việt Nam không có chưa chất EO.

Đối với các sản phẩm xuất khẩu, kết quả thử nghiệm cho thấy có sự hiện diện của chất 2-CE, với mì Hảo Hảo tôm chua cay là 0,62 mg/kg và miến Good là 5,98 mg/kg. Mức hàm lượng này vẫn thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn của Mỹ, Canada (940 mg/kg) và một số quốc gia khác. Đại diện Acecook Việt Nam giải thích rằng “do quy định đặc thù của EU về cách tính hàm lượng EO là giá trị gộp của EO và 2-CE, việc xuất hiện chất 2-CE trong sản phẩm được cho là vi phạm quy định của họ”, dù hàm lượng 2-CE là rất nhỏ.

Các lô mì, miến ăn liền bị một số nước châu Âu thu hồi từ tháng 8, theo Acecook Việt Nam, đã được công ty thu hồi và xử lý xong. Đơn vị này cũng đã tiến hành rà soát lại chuỗi cung ứng nguyên liệu để đảm bảo toàn bộ sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn về 2-CE của từng thị trường tương ứng. Với những sản phẩm được tiêu thụ tại Việt Nam, công ty nói đã xây dựng thêm những tiêu chuẩn kiểm soát chặt chẽ cho sản phẩm.

Acecook Việt Nam không phải doanh nghiệp duy nhất bị “tuýt còi” tại châu Âu. Hồi cuối tháng 8, EU cũng đưa ra cảnh báo đối với sản phẩm mì khô vị bò gà (tiếng Anh: “Dried noodles with chicken and beefspices”) của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương và thu hồi lại mặt hàng này ở thị trường Na Uy, cũng vì lý do vượt quá hàm lượng chất cấm Ethylene Oxide.

Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), hiện nay các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm chưa có bất kỳ quyết nghị chung nào về dư lượng EO trong thực phẩm. Nhiều quốc gia cũng chưa hề có quy định về việc sử dụng EO, trong khi ngưỡng giới hạn EO của những nước đã có quy định lại có sự chênh lệch lớn. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm cần kiểm tra kỹ thông tin, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của nước đến, tránh những sự vụ đáng tiếc như trên xảy ra.

Ethylene Oxide (EO) được sử dụng chủ yếu làm hoá chất trung gian trong sản xuất ethylene glycol (chất chống đông), hàng dệt, chất tẩy rửa, bọt polyurethane, dung môi, thuốc, chất kết dính, nguyên liệu cho sản xuất nhựa Polyethylene terephthalate (PET) và các sản phẩm khác.

Ngoài ra, EO còn được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm (đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như ớt bột, tiêu và quế,... trước yêu cầu luôn cần kiểm tra thường xuyên vi khuẩn Salmonella).

Theo hướng dẫn của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khí EO có thể dùng để khử trùng các nhóm thực phẩm với liều lượng nhất định.

Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia), bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, việc các sản phẩm vượt quá hàm lượng EO không chỉ xảy ra với sản phẩm của doanh nghiệp Việt, mà nhiều quốc gia khác cũng gặp phải trường hợp tương tự, kể cả các nước trong EU cũng bị phát hiện thường xuyên.

Theo antoanyte.vn

Nguồn https://antoanyte.vn
Link bài gốc

https://antoanyte.vn/385-phap-thu-hoi-mot-so-lo-mi-tom-hao-hao-de-nhat-d6097.html?