Hàng chính hãng, sao thiếu hóa đơn?
Theo thông tin quảng cáo tại website vuahanghieu.com của Sàn thương mại điện tử Vua Hàng Hiệu nêu rõ: "Địa chỉ mua sản phẩm hàng hiệu chính hãng từ các thương hiệu nổi tiếng với giá tốt nhất". Vậy, hàng chính hãng mà Vua Hàng Hiệu quảng cáo là gì?
Hiện nay, chưa có một quy định pháp luật cụ thể nào quy định về định nghĩa "hàng chính hãng" hay "hàng hiệu", tuy nhiên, dựa trên những quy định về hàng lậu, hàng giả và những ý kiến trong giới chuyên "chơi" hàng hiệu, hàng chính hãng thì có thể khái quát lại các đặc điểm sau: Hàng chính hãng (hàng hiệu) là hàng hóa (hay sản phẩm) được bán thông qua các nhà phân phối chính thức tại Việt Nam. Các sản phẩm này luôn luôn trong tình trạng mới 100%, có nguồn gốc xuất xứ từ chính nhà máy sản xuất của Hãng và được Hãng sản xuất và nhà phân phối chính thức đảm bảo về chất lượng và dịch vụ hỗ trợ sau bán.
Tất cả hàng chính hãng luôn bao gồm VAT vì chỉ có Hãng (doanh nghiệp) có pháp nhân rõ ràng, đăng ký kinh doanh với nhà nước mới xuất được hóa đơn VAT về mặt hàng họ bán cho người tiêu dùng. Giá cả sản phẩm theo niêm yết giá công khai của Hãng, không có tình trạng hỗn loạn giá cho cùng 1 sản phẩm. Bên cạnh đó, hàng chính hãng luôn hoạt động theo quy chuẩn thiết kế, đáp ứng các tiêu chuẩn như trong đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, luôn có tất cả phụ kiện thay thế chính hãng...
Vậy, các sản phẩm được bày bán tại sàn TMĐT Vua Hàng Hiệu có đáp ứng đủ các yêu cầu để được cho là "hàng chính hãng"? Theo quảng cáo, sàn TMĐT Vua Hàng Hiệu chuyên cung cấp các sản phẩm thời trang hàng hiệu cao cấp của hơn 500 thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, bao gồm các sản phẩm về thời trang, túi xách, đồng hồ, nước hoa, kính mắt, giày, mỹ phẩm làm đẹp…
"Tại đây khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm, mua bán các sản phẩm hàng hiệu cao cấp một cách dễ dàng và nhanh chóng. Chúng tôi (Vua Hàng Hiệu) liên tục cập nhật các mẫu hot nhất, mới nhất của các thương hiệu lớn, bạn hoàn toàn có thể mua sắm vui vẻ, nhanh chóng trên sàn thương mại điện tử Vua Hàng Hiệu", website vuahanghieu.com chia sẻ.
Dạo qua trang chủ của Vua Hàng Hiệu, khách hàng không khỏi hoa mắt với hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng như Bentley, Charles & Keith, Versace, Gucci, v.v… đầy đủ từ nước hoa, đồng hồ, túi xách, son môi, trang sức, giầy dép và thậm chí là các loại máy móc khác.
Với hàng trăm ngàn sản phẩm, mẫu mã, điều khách hàng quan tâm nhất là nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng của sản phẩm, đặc biệt là các dòng sản phẩm được cho là đang hot của các thương hiệu lớn. Vì lẽ đó, Vua Hàng Hiệu đã có quy định rõ ràng về hàng hóa bày bán tại đây, bao gồm: Đảm bảo chất lượng hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ và tuân theo quy định pháp luật; Cung cấp hoá đơn cho khách hàng khi có yêu cầu trong vòng 7 ngày kể từ khi giao hàng thành công…
Tuy nhiên, theo phản ánh của chị T.G.H, thường trú tại Thanh Xuân, Hà Nội thì sàn TMĐT Vua Hàng Hiệu này đang bày bán những sản phẩm có phần “không thực hiện đúng như cam kết với khách hàng”, thậm chí còn chẳng đảm bảo đúng với quy định tự mình đặt ra.
Cụ thể, đầu tháng 11 vừa qua, chị H. đặt mua 1 túi xách tay cầm tay thương hiệu Versace được Vua Hàng Hiệu đăng tải với giá 11 triệu đồng. Để đảm bảo món quà theo đúng sở thích của người nhận, chị H. đã yêu cầu Vua Hàng Hiệu gửi sản phẩm kèm theo đầy đủ hộp và hóa đơn chính hãng. Tuy nhiên, đáp lại đề nghị của chị H. lại là việc Vua Hàng Hiệu thông báo “đội giá” sản phẩm lên thành 11.800.000 đồng (trước đó, chị H. đã chuyển khoản cọc 10 triệu đồng) do “đã có khách qua lấy” và sản phẩm sẽ không có hộp cũng như hóa đơn.
Trong vai khách hàng, phóng viên (PV) đã liên hệ và đặt mua 2 sản phẩm khác hiện đang được bày bán trên website của Vua Hàng Hiệu, bao gồm 1 túi xách thương hiệu Louis Vuitton trị giá 24 triệu đồng và 1 áo khoác thương hiệu Versace có giá 29 triệu đồng. Cả 2 sản phẩm này đều được nhân viên của Vua Hàng Hiệu cho biết là… không có hộp, không có hóa đơn VAT.
Trả lời thắc mắc về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, nhân viên Vua Hàng Hiệu khẳng định sản phẩm là hàng chính hãng có chip trong túi, có thể ra kiểm tra được ngay. Nếu nhận được hàng rồi chứng minh được hàng không đảm bảo thì Vua Hàng Hiệu sẽ hoàn tiền.
Hàng lậu gắn mác hàng hiệu?
Anh Đ.T.A, một chủ shop chuyên kinh doanh hàng thời trang xuất, nhập khẩu tại Hà Nội cho biết: “Nếu gọi là hàng hiệu thì phải có hóa đơn chứng từ để chứng minh. Việc sản phẩm có con chip hay mã số sẽ không có ý nghĩa gì nếu không có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ mua bán. Bởi lẽ hàng chính ngạch sẽ phải qua cửa khẩu, hải quan, rồi thuế má, giấy tờ xác nhận, cho dù là món hàng mua riêng lẻ. Những sản phẩm không có hóa đơn, dù là gì chăng nữa thì cũng chỉ được coi là một thứ hàng lậu.”
Bên cạnh đó, tại website chính thức của Louis Vuitton (louisvuitton.com), đơn vị này chỉ có 2 cửa hàng chính hãng tại Việt Nam, bao gồm tại tòa nhà International Centre (số 17 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) và tòa nhà Opera View (số 161 Đồng Khởi, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Tương tự, Gucci cũng chỉ có 2 cửa hàng chính hãng tại Tràng Tiền Plaza (số 24 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) và khách sạn Sheraton (số 88 Đồng Khởi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Cả 2 thương hiệu trên chẳng có chút liên hệ nào tới sàn TMĐT Vua Hàng Hiệu.
|
|
Thương hiệu Gucci chỉ có 1 cửa hàng chính hãng duy nhất tại Hà Nội là ở Tràng Tiền Plaza |
Nếu để nói về “hàng hiệu” thì có lẽ phải nhắc đến ông “Vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn, hiện đang là Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) – Chuyên kinh doanh thời trang, đầu tư, quản lý sân bay, trung tâm thương mại… Thế nhưng, ngay cả người đàn ông quyền lực và giỏi giang này cũng phải thừa nhận hiện nay không ít hàng giả, hàng nhái có chất lượng rất cao, thậm chí tương đương với 95% hàng thật chính hãng, rất khó để phân biệt.
Như vậy, các mặt hàng của Louis Vuitton và Gucci đang được bày bán trên sàn TMĐT Vua Hàng Hiệu được lấy từ đâu? Làm sao có thể đảm bảo các sản phẩm này là hàng chính hãng, không phải hàng giả, hàng nhái chất lượng cao?
Thực tế, không ít các sản phẩm hàng hiệu được bày bán tại Việt Nam hiện nay đã lỗi mốt khoảng 1 - 2 năm tại quốc gia bản địa. Do đã hết “hot”, các mặt hàng này sẽ được khuyến mại (có thể lên đến 50 - 60%), và được người thu mua, gom lại rồi “xách tay” về nước, bán lại với giá giảm so với thời điểm trước khi khuyến mại là 10 - 20%, từ đó thu về lợi nhuận khổng lồ.
Theo một lý giải khác, rằng các sản phẩm tại Vua Hàng Hiệu là “hàng xách tay”, thế nên các sản phẩm này không phải chịu thuế, không phải làm thủ tục khai hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu theo thủ tục thông thường. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật thì hàng xách tay không phải hàng nhập lậu chỉ khi đảm bảo các điều kiện như có hoá đơn chứng từ kèm theo rõ ràng, không trong danh mục những mặt hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định, hàng hoá có dán tem nhập khẩu và đóng thuế đầy đủ theo quy định…
Cụ thể, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định: hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu. Do đó, bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu.
Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 50 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt gấp đôi.
Câu hỏi đặt ra là liệu rằng toàn bộ mặt hàng đang bày bán tại Vua Hàng Hiệu là hàng chính hãng, hay số lượng hàng có hóa đơn, chứng từ đầy đủ thực ra chỉ là con số rất nhỏ? Đồng thời, cũng không thể loại trừ khả năng có hàng giả, hàng nhái chất lượng cao bị trà trộn vào những món hàng này.
Dù đã chủ động liên hệ để làm sáng tỏ những nội dung trên, PV Tri thức và Cuộc sống chỉ nhận được câu trả lời rằng, Vua Hàng Hiệu từ chối trao đổi với báo chí.
Minh Châu