leftcenterrightdel
 Nợ xấu vẫn có dấu hiệu tăng sẽ khiến ngân hàng gặp khó với quy định mới về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh minh họa: A.Q

Nợ xấu tuyệt đối của các ngân hàng niêm yết tính đến cuối tháng 9.2021 đã tăng khoảng 26% so với đầu năm, nợ tái cơ cấu của nhiều ngân hàng cũng tăng mạnh. Đây là lý do khiến nhiều ngân hàng phải tăng rất mạnh trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu so giai đoạn trước. Căn cứ trên báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng tại thời điểm quý 3/2021, có một số ngân hàng đang phải đau đầu khi tỷ lệ nợ xấu vọt cao hơn mức 3%.

Đơn cử như ngân hàng BaoViet Bank, với tỷ lệ nợ xấu vào cuối quý 3/2021 tăng lên mức 10,53%. Hay như VPBank cũng có tỷ lệ nợ xấu 4%. Ngoài ra, một số ngân hàng khác có tỷ lệ nợ xấu ở mức xấp xỉ với tỷ lệ 3% vào thời điểm báo cáo tài chính cuối quý 3 như ABBank, VietCapital Bank, với tỷ lệ nợ xấu đang ở mức 2,9%.

Và như vậy, theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Thông tư số 16/2021/TT-NHNN, với nhiều nội dung siết ngân hàng rót vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng này đối mặt với nguy cơ đứng ngoài cuộc chơi đầu tư Trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể, một trong những quy định đáng chú ý trong Thông tư mới là tổ chức tín dụng  chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Báo cáo “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, do Công ty CP Chứng khoán SSI vừa công bố, tính đến hết tháng 9, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 443 nghìn tỉ đồng. Trong đó, có tới gần 60% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là do các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán nắm giữ.

Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã mua vào 124,4 nghìn tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 27,3%. Như vậy, với vai trò là người mua chính trên thị trường, các ngân hàng thương mại đang “ôm” khối trái phiếu doanh nghiệp lớn, trong đó chiếm tỷ lệ cao là của các doanh nghiệp bất động sản.

TS Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích tài chính quỹ DG Investment cho rằng trong bối cảnh hiện nay, quy định rất đáng chú ý này của Thông tư 16 trước mắt chưa thể ảnh hưởng đến nhiều ngân hàng thương mại. Nhưng sẽ là lời cảnh báo vì phân tích về nợ xấu, có thể thấy các ngân hàng đang trích lập dự phòng rủi ro theo các Thông tư, với lộ trình dài và tỷ lệ theo từng giai đoạn nên con số nợ xấu này chưa phản ánh đầy đủ, hoàn toàn có thể thay đổi ở mỗi tổ chức tín dụng theo mỗi kỳ.

Cũng đã có cảnh báo nợ xấu có tăng trong thời gian tới. Như vậy, ngân hàng sẽ phải cố gắng giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Ngoài ra, quy định này được kỳ vọng sẽ là một "nút chặn" để chặn hoạt động bắt tay "mua tay trái, bán tay phải" qua trái phiếu doanh nghiệp, giữa các ngân hàng có hệ sinh thái bao gồm các công ty con đặc biệt trong các lĩnh vực như hoạt động bất động sản, chứng khoán...

Gia Miêu

Nguồn Báo Lao động
Link bài gốc

https://laodong.vn/kinh-te/siet-dau-tu-trai-phieu-doanh-nghiep-ngan-hang-them-kho-vi-no-xau-976953.ldo