Hàng trăm cái tên mới tham gia phát hành trái phiếu

Thị trường TPDN Việt Nam đang có sự phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong 5 năm gần nhất.

Đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và khoảng 15% GDP sau điều chỉnh.

Nhiều công ty bất động sản đổ xô phát hành trái phiếu, tuy nhiên phần lớn đến từ các doanh nghiệp chưa niêm yết, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

leftcenterrightdel
Phối cảnh một dự án của Tân Hoàng Minh tại Phú Quốc. Ảnh: Tân Hoàng Minh
 

Thị trường TPDN Việt Nam đang có sự phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong 5 năm gần nhất.

Đến cuối năm 2021, thị trường có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế và khoảng 15% GDP sau điều chỉnh.

Theo số liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong năm 2021, tổng khối lượng phát hành TPDN trong nước đạt trên 658.000 tỷ đồng, tăng trưởng đến 42%.

Thị trường chứng kiến 1.033 đợt chào bán, gấp 2,8 lần so với năm 2020 và tương đương quy mô trung bình 636 tỷ đồng/đợt. Ngoài ra còn có 4 đợt phát hành ra quốc tế với tổng giá trị 1,425 tỷ USD.

Trong đó tỷ lệ doanh nghiệp phát hành ra công chúng chỉ chiếm rất nhỏ chưa đến 4,6% (năm 2020 là 7,1%), phần lớn vẫn đến từ phát hành riêng lẻ.

VBMA lưu ý rằng có đến 243 doanh nghiệp lần đầu phát hành trái phiếu trong năm ngoái, chiếm 40% tổng khối lượng phát hành. Phần lớn là các cái tên mới đến từ ngành bất động sản và xây dựng.

Đáng chú ý nhất là nhóm công ty Tân Hoàng Minh đã có 8 đợt huy động trái phiếu trong năm ngoái với giá trị lên đến 10.130 tỷ đồng. Tuy nhiên cơ quan Nhà nước mới đây đã yêu cầu hủy bỏ toàn bộ các lô trái phiếu này và cả một lô khác trong năm 2022.

Thị trường TPDN đã hạ nhiệt trong 3 tháng đầu năm 2022 khi các chính sách thắt chặt của Nhà nước bắt đầu có hiệu quả.

Tổng giá trị phát hành trong quý đầu năm đạt xấp xỉ 40.000 tỷ đồng; trong đó phần lớn là phát hành riêng lẻ với giá trị gần 31.000 tỷ đồng và phần còn lại là phát hành ra công chúng.

Phần lớn các lô trái phiếu đều có giá trị không quá lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nổi bật có VIB phát hành các gói gần 3.000 tỷ đồng, LienVietPostBank có gói hơn 1.600 tỷ, Đầu tư IPA phát hành 1.000 tỷ hay Sunshine E&C là 800 tỷ đồng.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký VBMA cho biết, trái phiếu bất động sản chiếm trên 40% và của các tổ chức tín dụng là hơn 20%.

Ngoài ra, lãi suất của cả thị trường trái phiếu Chính phủ và thị trường TPDN trong quý đầu năm đều có áp lực tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 do lo ngại lạm phát.

Sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu cũng phát sinh những hệ lụy đáng tiệc, một số vụ xử phạt hành chính và cả hình sự đã được nêu tên.

Mới nhất, toàn bộ 9 lô trái phiếu phát hành của nhóm Tân Hoàng Minh đã bị hủy bỏ do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

leftcenterrightdel
 Bị can Đỗ Anh Dũng (trái) và Đỗ Hoàng Việt.

Đồng thời Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính đối với VsetGroup, Apec Group do không nộp hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu, đồng thời buộc thu hồi trái phiếu đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư.

Bộ Tài chính quyết liệt tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có rất nhiều động thái quyết liệt trong việc tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường và liên tiếp đưa ra các cảnh báo đối với các nhà đầu tư nhằm giúp TTCK và thị trường TPDN phát triển an toàn, bền vững.

Nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư và góp phần giúp thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Đồng thời, Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 118/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 hướng dẫn một số nội dung về chào bán, phát hành chứng khoán, chào mua công khai, mua lại cổ phiếu, đăng ký công ty đại chúng và hủy tư cách công ty đại chúng; Thông tư số 122/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế...

Trước tình trạng TPDN tăng trưởng nóng, tháng 12/2021, Bộ Tài chính cũng đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường thời gian qua để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về phát hành TPDN riêng lẻ.

Bên cạnh những tác động tích cực của TPDN, Bộ Tài chính nhận định việc phát hành TPDN riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia. Do đó, từ năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo về những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường TPDN. Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của DN phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu…

“Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu”, Bộ Tài chính nhấn mạnh trong khuyến cáo.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là DN cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ DN phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của DN phát hành, do đó không có trảch nhiệm về việc DN có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của DN phát hành.

Trước tình trạng TPDN tăng trưởng nóng, có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã liên tục chỉ đạo các cơ quan liên quan trọng việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN.

Cụ thể, tại Văn bản số 13838/BTC-VP ngày 3/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho DN và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.

Tại Văn bản này, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trương xử lý nghiêm và báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, DN. Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật...

Trước đó, ngày 10/9/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn gửi các công ty chứng khoán nhắc nhở về việc tuân thủ Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở cảnh báo, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp là 2 tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Qua các đoàn kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính nặng và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả tại hai doanh nghiệp là VsetGroup và Apec Group; đồng thời xử phạt Công ty Chứng khoán VIS. Vào thời điểm đó, bên cạnh việc xử phạt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan chức năng để tiếp tục xem xét các trường hợp vi phạm.

Mới đây nhất, ngày 4/4/2022, căn cứ hồ sơ, tài liệu và đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ; căn cứ quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP; ngày 3/4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-UBCK hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng của 3 công ty trên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Trong thời gian qua, có tình trạng báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng còn nhiều sai sót, kể cả một số trường hợp đã có ý kiến chấp nhận toàn phần của doanh nghiệp kiểm toán. Bên cạnh đó, những sự việc vừa qua cũng cho thấy, một số doanh nghiệp đã đưa ra các báo cáo tài chính sai lệch, bên cạnh đó các cơ quan kiểm toán độc lập đã không làm tròn trách nhiệm dẫn đến những thông tin sai lệch của DN, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Do vậy, mới đây, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3065/CV-QLKT yêu cầu tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp kiểm toán, các kiểm toán viên hành nghề và các thành viên nhóm kiểm toán thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung về pháp luật kiểm toán. Theo đó, trong quá trình thực hiện kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán và các kiểm toán viên hành nghề phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, thực hiện đúng quy trình kiểm toán, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường soát xét, đảm bảo thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở cho việc đưa ra ý kiến kiểm toán theo đúng yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, luôn đề cao tính hoài nghi nghề nghiệp trong việc thực hiện kiểm toán.

Bộ Tài chính yêu cầu nghiêm túc triển khai áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp kiểm toán quy trình kiểm soát chất lượng dịch vụ theo yêu cầu tại Chuẩn mực về Kiểm soát chất lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm toán, soát xét báo cáo tài chính, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan khác (VSQC1), kể cả trụ sở chính và tất cả các các chi nhánh...

Trước đó, Bộ Tài chính có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giám sát Kế toán, kiểm toán, Thanh tra Bộ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác kiểm toán doanh nghiệp niêm yết.

H.P

Nguồn
Link bài gốc