Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu theo đề xuất của Chính phủ.
Cụ thể, giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng là 2.000 đồng/lít đối với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu diesel, dầu mazút, dầu nhờn, mỡ nhờn (giảm 50% so với các mức thuế hiện hành); và 300 đồng/lít với dầu hỏa (giảm 70% so với mức thuế hiện hành).
Thời gian áp dụng mức thuế mới từ 1/4/2022 đến hết 31/12/2022. Sau đó sẽ quay lại mức cũ.
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cũng nhấn mạnh, với mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT) cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng/năm. Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4/2022 thì số giảm thu ngân sách Nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT) sẽ khoảng 23.954 tỷ đồng.
"Tuy nhiên, việc giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu trong nước liên tục tăng trong thời gian qua và được dự báo là có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ có tác động làm tăng thu NSNN, đặc biệt là nguồn thu từ dầu thô. Qua đó, sẽ bù đắp số giảm thu do việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường theo phương án trên", Bộ trưởng Tài chính giải thích.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm giá bán, từ đó làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, ổn định lạm phát. Đồng thời, góp phần làm giảm chỉ số CPI (Giả thiết Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022 và giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong 9 tháng còn lại của năm 2022 ổn định như giá tại kỳ điều chỉnh ngày 11/3/2022 thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ giúp giảm CPI bình quân năm 2022 ước khoảng 0,76% - 0,85%).
Tuy nhiên, do thuế bảo vệ môi trường là số tuyệt đối, CPI là số tương đối nên tác động của việc giảm thuế bảo vệ môi trường đến CPI giảm dần khi giá xăng dầu tiếp tục tăng lên so với hiện hành; giảm 0,61% CPI nếu giá xăng dầu tăng 10% so với mức hiện hành; giảm 0,56% CPI nếu giá xăng dầu tăng 20% so với mức hiện hành; giảm 0,52% CPI nếu giá xăng dầu tăng 30% so với mức hiện hành.
Trước đó, đồng chí Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo đề xuất của Chính phủ đến nay là chậm, nhưng dù chậm còn hơn không. Theo ông Vũ Hồng Thanh, việc điều chỉnh giá xăng, dầu không riêng gì giảm thuế bảo vệ môi trường mà nên giảm cả các mức thuế khác như thuế xuất nhập khẩu xăng dầu, thuế tiêu thụ đặc biệt…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và thuộc mặt hàng bình ổn giá, bám sát tình hình giá xăng dầu thế giới nhưng đặt dưới sự quản lý của nhà nước. Cụ thể ở đây, Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác lo ngại tới đây giá xăng dầu thế giới vẫn còn biến động. Mức giá giảm tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ.
T.B