Vài năm trở lại đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhu cầu về các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm bồi bổ sức khỏe… của người tiêu dùng càng tăng cao, đây là một trong những cơ hội để thực phẩm chức năng dễ dàng đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm an toàn, có chất lượng vẫn có không ít doanh nghiệp phân phối có dấu hiệu làm ăn chộp giật, coi lợi nhuận là trên hết, có hành vi lừa dối người tiêu dùng. Các đơn vị này cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm chức năng như “thần dược” khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe, tiền mất tật mang, gây bức xúc trong dư luận.
Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức của người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua thực phẩm chức năng sử dụng thường xuyên và lầm tưởng thực phẩm chức năng là một loại thuốc chữa bệnh hiệu quả.
Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở giai đoạn cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Mặc dù phát hiện bệnh sớm nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà sử dụng thực phẩm chức năng với kỳ vọng các sản phẩm này có thể loại trừ, ngăn chặn sự phát triển của khối u.
Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng thực phẩm chức năng, làm mất đi cơ hội điều trị.
Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) cũng thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị dị ứng thực phẩm chức năng do sử dụng tràn lan, thiếu sự chỉ dẫn cần thiết của thầy thuốc. Và điều đáng lo ngại, do rất nhiều thực phẩm chức năng đang được quảng cáo quá mức, với công dụng như thần dược khiến cho nhiều người tiêu dùng cả tin, lầm tưởng và chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.
Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc liên quan đến sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe BoniDetox do Công ty TNHH Thương mại Botania (địa chỉ tại: 204H, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) phân phối được quảng cáo với những nội dung sai sự thật, không đúng với công dụng, chất lượng do cơ quan y tế cấp phép, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Cụ thể, trên website thuocdongytot.com, sản phẩm BoniDetox được quảng cáo là “thuốc BoniDetox bổ phổi hàng Mỹ chính hãng” với hàng loạt các công dụng như: Giúp giải độc phổi do ô nhiễm không khí; Giúp long đờm, trừ ho, giảm khó thở ở các bệnh nhân viêm phế quản mãn tính, viêm phổi, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD); Phòng ngừa các nguy cơ gây nên cảm cúm và bị nhiễm lạnh;
Bảo vệ và loại bỏ các loại khí độc làm ảnh hưởng đến phổi như: bụi, khói hay hoá chất độc hại từ môi trường, chất độc trong thuốc lá, giúp bạn thở dễ dàng hơn; Tăng cường hoạt động hệ miễn dịch; Tăng khả năng kháng khuẩn cho phổi, phòng ngừa ung thư phổi; Làm khôi phục lại tế bào bị tổn thương ở phổi.
Những quảng cáo kể trên như lời khẳng định sản phẩm BoniDetox là loại "thuốc" có khả năng điều trị các bệnh về phổi, ung thư phổi. Trong khi đó trên thực tế, theo cấp phép của Bộ Y tế, sản phẩm này chỉ là sản phẩm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh, không có tác dụng trong điều trị và thay thế thuốc chữa bệnh.
Chưa dừng lại ở đó, tại website suckhoetrongtamtay.com, BoniDetox.net, sản phẩm BoniDetox được quảng cáo có công dụng “tiêu diệt tế bào phổi bị đột biến”, giúp phòng ngừa ung thư. Tuy nhiên trên thực tế thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có khả năng hỗ trợ, chứ không có công dụng “điều trị” hay “tiêu diệt” mầm bệnh giống như thuốc chữa bệnh.
Không chỉ quảng cáo sai sự thật, sai với công dụng, chất lượng thực sự đã được cấp phép bởi cơ quan y tế, website bonidetox.vn còn có dấu hiệu “mượn danh” Bộ Y tế để quảng cáo cho sản phẩm khi “nhập nhèm” khẳng định sản phẩm được công bố an toàn, Giấy phép an toàn do Bộ Y tế cấp.
Tuy nhiên trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Bộ Y tế không cấp bất cứ giấy tờ “chứng nhận an toàn” cho bất cứ sản phẩm thực phẩm chức năng nào. Loại chứng nhận mà website nhắc tới thực tế chỉ là “Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm” mà Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp cho các doanh nghiệp, đơn vị chịu trách nhiệm công bố sản phẩm. Còn về chất lượng sản phẩm có tốt và đúng như doanh nghiệp tự công bố hay không thì phải qua quá trình hậu kiểm mới có thể xác định được.
Theo Mục b, Khoản 3, và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012, các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm cũng quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.
Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.
PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, việc lừa dối quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh là hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Theo ông Phong, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là quảng cáo "nổ" vi phạm quy định. Với những trường hợp như vậy, Cục An toàn thực phẩm đăng tải thông tin công khai, khuyến cáo trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật.
Căn cứ những quy định trên, có thể thấy, việc quảng cáo sản phẩm BoniDetox trên những website nêu trên đang có dấu hiệu vi phạm quy định về quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, dễ khiến người tiêu dùng lầm tưởng về công dụng thực sự của sản phẩm.
Đồng thời, dư luận cũng không khỏi thắc mắc nếu chất lượng sản phẩm BoniDetox không đúng như quảng cáo, Công ty TNHH Thương mại Botania có chịu trách nhiệm? Vì sao các sản phẩm được cấp phép là thực phẩm chức năng nhưng lại đang được quảng cáo như thuốc chữa bệnh?
Về vấn đề này, đề nghị Cục An toàn thực phẩm vào cuộc xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Công ty TNHH Thương mại Botania (địa chỉ: 204H, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) được thành lập vào năm 2008 và đã phân phối sản phẩm BoniDetox nhiều năm. Người đại diện pháp luật của Công ty là bà Phạm Thanh Thủy. Với những quảng cáo sản phẩm BoniDetox như “thuốc chữa bệnh”, người tiêu dùng đặt câu hỏi nhiều năm qua bao nhiêu người sử dụng sản phẩm này mà không hay biết sản phẩm chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe?
Để rộng đường dư luận, phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã liên hệ với bà Trọng Thị Phương Thanh - người tự xưng là đại diện truyền thông Công ty TNHH Thương mại Botania. Tuy nhiên, đại diện Công ty khẳng định các website trên không phải của Công ty. Về những vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ ở các bài viết sau.
Thanh Tùng