Vì sao Việt Á bán kit test COVID-19 giá cao vẫn phủ sóng 62 tỉnh, thành?
Thông tin về vụ việc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nâng khống giá kit test COVID-19, Bộ Công an nêu rõ, tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kit xét nghiệm COVID. Chỉ hơn 1 năm, công ty này đã cung ứng Kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Khai nhận với cơ quan điều tra, Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt của Công ty Việt Á khai nhận đã thông đồng với lãnh đạo các Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố hợp thức hồ sơ Chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (Công ty liên danh, Công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
|
|
Phan Quốc Việt- Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á. |
Để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Với thủ đoạn nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm, Việt Á đã thu lợi nhuận bất chính số tiền lớn.
Một ví dụ điển hình, Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm COVID cho CDC Hải Dương thông qua 05 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.
Liệu có sự ưu ái?
Đáng chú ý, tại văn bản số 5288 ngày 2/7 của Bộ Y tế do ông Nguyễn Minh Tuấn khi đó là Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế ký ban hành gửi sở y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị liên quan, Bộ Y tế cập nhật danh sách sinh phẩm, thiết bị phục vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp phép.
Trong số sản phẩm, thiết bị do Bộ Y tế liệt kê kèm theo văn bản trên, bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro phát hiện virus Corona do Công ty Việt Á sản xuất được Bộ Y tế xếp ở vị trí đầu tiên. Sản phẩm này được đơn vị cung ứng báo giá 470.000 đồng/kit, khả năng cung ứng 3 triệu kit mỗi tháng.
Bên cạnh báo giá cũng ghi chú, giá 470.000 đồng/test đối với đơn hàng dưới 500.000 test, giá 367.000 đồng/test đối với đơn hàng từ 500.000 test đến 1 triệu test; giá 315.000 đồng đối với đơn hàng từ 1 triệu đến 5 triệu test và giá 220.000 đồng/test với đơn hàng từ 5 triệu test trở lên.
Đây là cơ sở để nhiều địa phương tham chiếu khi mua hàng của Việt Á. Trên thực tế, nhiều địa phương mua kit test của Việt Á với giá 470.000đ/test hoặc cao hơn.
Đáng chú ý, trong danh sách do Bộ Y tế giới thiệu nhưng xếp từ vị trí thứ 2 trở đi là sản phẩm test của hàng loạt đơn vị khác được sản xuất trong nước. Mức giá sản phẩm được công bố từ 179.800 đồng/kit đến 385.000 đồng/bộ.
Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Công an, quá trình điều tra xác định, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kit.
|
|
Xưởng sản xuất Kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á. Ảnh: VTV |
Một thông tin đáng chú khác, ngày 26/4/2020, trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ có đăng bài: "Kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) chấp thuận".
Nội dung nêu rõ, ngày 24/4/2020, WHO đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm của Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ KIT LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất theo Quy trình Danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00.
Bài viết cho biết, sau khi được Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cấp phép, bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á đã được một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và 1 số quốc gia tại Châu Âu với số lượng cam kết ít nhất 1 triệu test/tháng. Bên cạnh đó cũng đã có nhiều tổ chức quan tâm đến sản phẩm như WB, quỹ CHAI...Việc có thêm sự chấp thuận của WHO sẽ giúp sản phẩm dễ dàng được xuất khẩu ra các nước trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, đến ngày 20/12/2021, trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ đã gỡ bỏ bài viết này. Đáng chú ý, đến thời điểm này thông tin cho biết WHO chưa từng chấp thuận bộ kit xét nghiệm của Việt Á như nội dung Bộ KH&CN công bố.
Dân Việt dẫn lời ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các khối ngành Kinh tế - Kỹ thuật (Bộ KH&CN) thừa nhận, do sơ suất chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á. Ông Hùng cũng khẳng định, WHO mới chỉ chấp thuận đưa bộ kit test của Công ty Việt Á vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng chứ không phải "chấp thuận sử dụng". "Đây là sơ suất của Bộ KH&CN" - ông Hùng thừa nhận.
Có đòi lại được tiền chênh lệch mà Việt Á nâng khống lên?
Mới đây, ông Võ Văn Phục - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng) cho biết đã có đơn gửi Bộ Công an và Công an tỉnh Sóc Trăng để báo cáo tình hình giao dịch với Công ty Việt Á.
Theo ông Phục, từ ngày 30/7 đến 11/10, công ty của ông đã 4 lần mua hóa chất phát hiện SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR của Công ty Việt Á. Công ty đã mua 5.200 kit test với số tiền trên 2,1 tỷ đồng, trong đó có 480 kit khuyến mãi. Công ty Việt Á có xuất hóa đơn GTGT theo qui định và công ty của ông đã hoàn tất thanh toán.
Đáng chú ý theo ông Phục, thời điểm mua, công ty có trả giá nhưng phía Công ty Việt Á trả lời: “Giá này do Bộ Y tế quy định nên không thể giảm” nên ông rất yên tâm. Khi biết mình mua với giá cao, ông Phục đề nghị sau khi có kết luận thanh tra, cơ quan có thẩm quyền buộc Công ty Việt Á phải hoàn trả lại số tiền chênh lệch.
Dư luận đặt câu hỏi: Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp, đơn vị khác có thế đòi lại tiền chênh lệch mà Công ty Việt Á đã nâng khống lên?
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, hợp đồng mua bán hàng hóa chỉ có hiệu lực khi thỏa mãn những điều kiện mà pháp luật quy định. Các bên khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc giao kết hợp đồng đó là “tự do giao kết không trái với pháp luật và đạo đức xã hội; tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng” (Điều 389 BLDS), đây cũng là điều kiện để hợp đồng có hiệu lực. Nếu các bên vi phạm nguyên tắc này thì đó sẽ là những nguyên nhân làm hợp đồng vô hiệu, ví dụ việc giao kết hợp đồng do bị cưỡng ép, bị lừa dối….
|
|
Kit test của Công ty Việt Á. |
Như vậy trong trường hợp này, nếu thực sự có việc nâng khống giá của Kít test thì Công ty Việt Á đã vi phạm Khoản 1 điều 11 Luật Giá năm 2012. Tức là, Việt Á đã vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng, không “tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng” trong việc công bố giá bán hàng hóa cho đối tác, khách hàng của mình.
Giá mà Công ty ty Việt Á được phép bán bộ Kít test bán là giá đã niêm theo quy định của Nghị định 89/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Thông tư 16/TT-BYT quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2. Vì vậy, sau khi có kết luận điều tra, cơ quan có thẩm quyền, Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam có thể khởi kiện, yêu cầu Công ty Việt Á hoàn trả số tiền chênh lệch và bồi thường nếu có cho mình.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cần tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, hành vi tư lợi trên sức khỏe cộng đồng để xem xét quy kết đúng và đủ tội đối với các đối tượng vi phạm quy định pháp luật nêu trên.
Tâm Đức