Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công thương; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công An; UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Theo Bộ Y tế, để thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính, toàn bộ thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thực hiện trên môi trường mạng (Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
|
|
Một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận nên sẵn sàng vi phạm. |
Bên cạnh những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn còn tồn tại rất nhiều những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, chủ yếu tập trung vào các hành vi như quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định.
Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định.
Có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như facebook, tiktok, twitter,… các nền tảng quảng cáo trên google ads như: Youtube, coccoc, chrome... và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo.
Rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm; tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm để làm gương các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Chủ trì phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cần quy định, quản lý chặt chẽ hơn về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương (Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Y tế; Sở Công thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý An toàn thực phẩm; Thanh tra tỉnh, thành phố) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn.
Tuyên truyền để người dân không tham gia vào các clip, video quảng cáo sai tác dụng, công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan chủ quản các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý quyết liệt những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe của các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thuộc lĩnh vực mình quản lý.
Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân chỉ mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có nhu cầu, không mua qua phương thức truyền miệng. Khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ làm căn cứ, bằng chứng để các cơ quan chức năng xử lý khi có yêu cầu.
Tại hội nghị trực tuyến "Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022" do Bộ Y tế tổ chức ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, tạo hiểu lầm cho người dân.
Dù Bộ Y tế, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an... và các địa phương đã vào cuộc xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh nhưng tình trạng này vẫn giảm không đáng kể.
Báo cáo về thực trạng quản lý quảng cáo thực phẩm, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là các quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Google, Facebook, YouTube...
Qua công tác giám sát, hậu kiểm và thanh, kiểm tra, Cục đã phát hiện không ít trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên, bán thực phẩm chức năng trái phép. Ca sĩ, diễn viên… quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai. Một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận nên sẵn sàng vi phạm. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý. Do đó, đối với trường hợp này, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo trên website của Cục và thông báo để các phương tiện truyền thông đưa tin.
Theo lãnh đạo Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông, từ năm 2014 đến nay, đã xử phạt 43 tổ chức, cá nhân vi phạm, bao gồm trường hợp cảnh cáo và phạt tổng số tiền hơn 1,7 tỉ đồng.
T.A