Theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu có tổng tài sản trên sổ sách lên đến 127.900 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD) tại thời điểm cuối năm 2020.

Theo tài liệu của PV, Toàn Cầu được thành lập vào tháng 11/2018 với số vốn điều lệ ban đầu là 132 tỷ đồng. Đến tháng 6/2019, công ty này có màn tăng vốn khủng gấp 969 lần lên 127.902 tỷ đồng và duy trì cho đến nay.

Trong đó, 40% cổ phần, tương ứng 51.161 tỷ đồng là vốn nước ngoài được góp bởi ông David Aristotle Phan (Mỹ). Đáng chú ý, trước khi tăng vốn, cổ đông này chỉ sở hữu hơn 5,2 triệu cổ phần công ty, tương đương giá trị 52,8 tỷ đồng.

Theo thống kê những doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu cao nhất tại thời điểm cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của Toàn Cầu đã lọt thẳng vào top 5, chỉ sau bốn “ông lớn” là Vingroup (135.853 tỷ đồng), Samsung Electronics Việt Nam (229.498 tỷ đồng), EVN (240.236 tỷ đồng) và Samsung Electronics Thái Nguyên (274.193 tỷ đồng).

Thậm chí, số vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp non trẻ này còn vượt xa các doanh nghiệp lớn như Vietcombank (98.859 tỷ đồng), Formosa Hà Tĩnh (93.408 tỷ đồng), Vinhomes (89.685 tỷ đồng)...

leftcenterrightdel
 Toàn Cầu lọt top những doanh nghiệp có vốn siêu khủng

Toàn Cầu có trụ sở chính tại số 143 Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện pháp luật, kiêm Tổng giám đốc Toàn Cầu là ông Bùi Văn Việt, một trong những cổ đông góp vốn sáng lập.

Ông Bùi Văn Việt hiện còn là đại diện của hai tổ chức khác: Công ty TNHH Liên doanh Việt Pháp (Hà Giang) và Xí nghiệp Mây tre lá của Thương binh và Người tàn tật (Hà Nội).

Theo đăng ký kinh doanh, công ty Toàn Cầu có ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà không để ở, cụ thể là dịch vụ xây dựng nhà xưởng, bệnh viện, trường học, nhà làm việc, khách sạn, cửa hàng, nhà hàng, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp làm thêm lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống sưởi và điều hòa không khí; đúc sắt, thép; xây dựng công trình cấp, thoát nước; chuẩn bị mặt bằng, lắp đặt hệ thống điện; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại…

Tuy đăng ký số vốn "khủng" - tương đương quy mô của tập đoàn Vingroup, trong hai năm đầu hoạt động (2018-2019), Toàn Cầu không phát sinh doanh thu, ghi nhận khoản lỗ tương ứng là 1,5 triệu đồng và 3 triệu đồng. 

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp được thành lập với số vốn khủng gây xôn xao dư luận.

Trước đó, CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC được thành lập với mức vốn điều lệ "không tưởng" lên đến 144.000 tỷ đồng, tức hơn 6 tỷ USD. Tuy nhiên, sau 90 ngày (thời hạn góp vốn), doanh nghiệp không thực hiện góp vốn đúng theo cam kết. Hiện tại, trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, USC Interco đã bị vô hiệu hoá hoạt động.

Cuối tháng 5 năm nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group) cũng khiến dư luận dậy sóng khi đăng ký thành lập với số vốn 500.000 tỷ đồng (khoảng 21,7 tỷ USD).

Tính đến nay, chỉ còn ít ngày nữa là đến thời hạn hai công ty của ông Quốc Anh phải góp đủ số vốn đăng ký. Trong trường hợp không góp đủ, công ty phải điều chỉnh giảm vốn điều lệ bằng số vốn đã góp, ngoài ra sẽ bị phạt triền từ 10 – 20 triệu đồng.

Trịnh Thị Phương Ly

Nguồn Người đưa tin
Link bài gốc

https://www.nguoiduatin.vn/xuat-hien-mot-doanh-nghiep-co-von-128-000-ty-dong-ngang-ngua-vingroup-a524614.html