Dự án Mở rộng, nâng cấp đường ĐT 254 là một trong những dự án giao thông lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn, có tổng mức đầu tư lên đến hơn 800 tỷ đồng, chia làm 6 gói thầu, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, từ quá trình tổ chức đấu thầu đến thi công, nghiệm thu, thanh toán công trình… dự án đã phát sinh nhiều sai phạm, có nguy cơ cao gây thất thoát tiền của của nhà nước.

Trụ sở Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn.

Trụ sở Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn.

Như Ngày mới Online đã phản ánh: Mặc dù chưa hoàn thành thi công, nhưng từ cuối năm 2019 Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn đã cùng với các nhà thầu lập khống hồ sơ “Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán”, thể hiện các nhà thầu đã hoàn thành khối lượng công việc lũy kế trị giá 618.890.830.295 đồng để hoàn tất hồ sơ, đề nghị Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Kạn thanh toán số tiền trên trong khi trị giá tổng khối lượng công việc hoàn thành của các nhà thầu vào thời điểm này mới chỉ là 593.625.693.956 đồng.

Trong Văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Kạn ngày 16/6/2020 Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khẳng định: Hành vi xác nhận khống khối lượng công việc hoàn thành của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn với các nhà thầu trái quy định của pháp luật, dẫn đến Kho bạc Nhà nước tỉnh Bắc Kạn đã thanh toán 25.238.136.294 đồng cho khối lượng công việc hoàn thành được xác nhận khống theo đề nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn vào cuối năm 2019.”

Theo phân tích của các chuyên gia pháp luật: Ở đây hành vi chiếm đoạt tài sản đã được hình thành. Người chiếm đoạt đã dùng thủ đoạn làm giả hồ sơ lừa cơ quan Nhà nước, rút tiền, chuyển tài sản chiếm đoạt được (tiền) vào nơi cất giữ do người chiếm đoạt lập nên (tài khoản tại ngân hàng thương mại).

Năng lực

Thông báo kết quả rà soát năng lực của Ban QLDA

Cũng theo các chuyên gia pháp luật, câu hỏi đặt ra là việc để xảy ra quá nhiều vi phạm, sai phạm tại Dự án Mở rộng, nâng cấp đường ĐT254 Bắc Kạn liệu có nguyên nhân chính là việc tỉnh Bắc Kạn giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư trong khi cơ quan này chưa đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ?

Cụ thể: Theo đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn, tại thời điểm quyết định giao làm chủ đầu tư Dự án Mở rộng, nâng cấp đường ĐT 254 Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh chưa đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại Báo cáo số 995/BC-SXD ngày 21/8/2017, về kết quả rà soát năng lực hoạt động của các Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2017 do ông Lèng Văn Chiến, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Kạn thời điểm đó ký cho biết, thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh đã hoàn thành việc sắp xếp lại các Ban Quản lý dự án từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Cấp tỉnh có 2 Ban Quản lý dự án gồm Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông.

Sau khi rà soát năng lực hoạt động của các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, Sở Xây dựng Bắc Kạn kết luận: Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn chỉ đủ điều kiện về số người ở lĩnh vực công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, còn 2 lĩnh vực là công trình giao thông, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đều chưa đủ điều kiện.

Trong khi đó, tại mục c, Khoản 1, Điều 64, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2016 của Chính phủ quy định: “Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước:… Có ít nhất 20 (hai mươi) người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với loại dự án chuyên ngành”.

Trên thực tế, theo đánh giá của Sở Xây dựng Bắc Kạn tại thời điểm tháng 8/2017 (tức là sau khi đã được giao làm chủ đầu tư dự án giao thông đường ĐT 254) số người thực tế của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn chỉ là 12 (mười hai) người có chuyên môn chuyên ngành phù hợp, đủ điều kiện.

Điều đáng lưu ý là cũng tại thời điểm này, dù có số lượng người ít hơn (33 cán bộ) nhưng đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn khẳng định Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn đủ điều kiện quản lý dự án chuyên ngành công trình giao thông.

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, ngày 22/6/2017, UBND tỉnh Bắc Kạn lại có Quyết định phê duyệt dự án số 868/QĐ-UBND, giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư Dự án Mở rộng, nâng cấp đường ĐT 254?

Theo các chuyên gia thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, việc thiếu cán bộ chuyên ngành đủ năng lực, chắp vá cán bộ, cán bộ hạn chế năng lực quản lý và chuyên môn… là nguyên nhân trực tiếp gây nên những sai phạm kéo dài tại Dự án Mở rộng, nâng cấp đường ĐT 254 của tỉnh Bắc Kạn.

Báo cáo Kết quả rà soát năng lực hoạt động của các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2017 của Sở Xây dựng Bắc Kạn.

Báo cáo Kết quả rà soát năng lực hoạt động của các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2017 của Sở Xây dựng Bắc Kạn.

Cụ thể, đó là: Việc khảo sát, thiết kế: Thay đổi, điều chỉnh cao độ đường đen khi thi công; thiếu chỉ dẫn kỹ thuật thi công lỗ rỗng dầm cầu; không có thuyết minh chi tiết biện pháo thi công bằng thù công và cơ giới; Lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, dự toán gói thầu: Áp dụng định mức thu hồi cột, cáp viễn thông chưa tiết kiệm; không xác định lại cự ly vận chuyển đất đổ thải, tính sai khối lượng, sai đơn giá;

Công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng: Điều khoản tạm ứng hợp đồng xây dựng không quy định rõ đối tượng, nội dung và công việc cụ thể, không có thỏa thuận theo kế hoạch GPMB;

Công tác quản lý chất lượng, khối lượng, đơn giá, định mức: Đổ thải không đúng bãi đổ thải theo thiết kế, thiếu thủ tục xác định, nghiệm thu vị trí, trữ lượng và khối lượng đổ thải thực tế;

Gói thầu số 17 rà phá mom mìn vật nổ: Thiếu máy móc thi công thực tế, thiếu chữ kỹ người lập phương án kỹ thuật thi công, dự toán, thanh toán chi phí khác không đúng quy định, bản vẽ hoàn công chưa đúng;

Công tác chấp hành chế độ tài chính kế toán: Lập, xuất hóa đơn GTGT cho chủ đầu tư chưa đúng thời điểm và xuất hóa đơn không đủ giá trị nghiệm thu. Nghiệm thu thanh toán vượt quyết toán A-B…

Đáng tiếc là, dù đã có khá nhiều cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, thậm chí là điều tra nhưng đến nay, nhiều vi phạm, sai phạm như Tạp chí Ngày mới Online đã chỉ ra và đưa tin vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt là vấn đề cá nhân, tập thể nào phải chịu trách nhiệm về việc giao Chủ đầu tư dự án đường ĐT254 không đủ điều kiện? Việc loại bỏ Ban Quản lý dự án chuyên ngành đủ điều kiện để chọn Ban Quản lý dự án chưa đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án có số vốn ngân sách lên đến 800 tỷ đồng càng khiến dư luận nghi ngờ về sự thiếu minh bạch, dân chủ, công bằng và lộ rõ lợi ích nhóm ở đây.

Tường Vy - Anh Khoa

Nguồn Ngày mới Online
Link bài gốc

https://ngaymoionline.com.vn/ai-chiu-trach-nhiem-ve-viec-giao-chu-dau-tu-du-an-dt254-khong-du-dieu-kien-26275.html