Ông Phạm Hồng Hà bị khởi tố về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”

Công an tỉnh Quảng Ninh đã có thông tin ban đầu về việc ông Phạm Hồng Hà - nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long bị bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cổ phần quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý vịnh Hạ Long.

leftcenterrightdel
 Ông Phạm Hồng Hà bị bắt vào ngày 14/5.

Theo đó, Công an tỉnh Quảng Ninh đang chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty cổ phần quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý vịnh Hạ Long.

Qua điều tra bước đầu xác định: Từ năm 2017 đến năm 2021, Công ty Cổ phần quản lý đường sông số 3 đã tham gia ký các hợp đồng quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; ký hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông cầu sông Chanh với Cục đường thủy nội địa Việt Nam và hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông với một số đơn vị khác.

Quá trình thực hiện các hợp đồng nêu trên, một số cá nhân là lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần quản lý đường sông 3 đã có hành vi hợp thức hóa hồ sơ, lập khống chứng từ nhằm nghiệm thu, quyết toán vượt quá khối lượng công việc thực tế để chiếm đoạt tiền của Nhà nước; đồng thời, thông đồng với một số cán bộ Ban quản lý vịnh Hạ Long để tạo điều kiện được ký hợp đồng quản lý, bảo trì, đảm bảo điều tiết giao thông tại vịnh Hạ Long trái quy định.

Đến nay Cơ quan điều tra đã khởi tố 6 bị can thuộc Công ty cổ phần Quản lý đường sông 3 về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự, trong đó bắt giam 3 bị can: Phạm Văn Phả - Chủ tịch Hội đồng quản trị; Đỗ Công Hào - Giám đốc; Phạm Văn Chinh - Phó Giám đốc; áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 3 bị can, gồm: Nguyễn Hải Anh - Nguyên Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật; Ngô Thị Thu Lư - nguyên Trưởng phòng Kế hoạch; Lê Kim Hoa - nhân viên Công ty.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 10 và 14/5/2022, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam đối với các bị can nguyên là lãnh đạo và nhân viên Ban Quản lý vịnh Hạ Long, gồm: Bùi Sĩ Giáp - nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan Ban Quản lý vịnh Hạ Long; Phạm Thái Dương - Nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, về hành vi “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 2, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Phạm Hồng Hà - nguyên Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Các lệnh khởi tố, bắt tạm giam và khám xét của Cơ quan điều tra đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê chuẩn theo quy định.

Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra củng cố tài liệu, chứng cứ, điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Niêm phong dàn xe sang trong biệt thự tiền tỷ

Cùng với quá trình khám xét nhà ông Phạm Hồng Hà và thu thập tài liệu, cơ quan chức năng đã dán niêm phong cửa 4 chiếc xe sang trong biệt thự trên đường Trần Quốc Nghiễn mà ông Hà sinh sống. 4 chiếc xe này cũng được đưa đi để phục vụ công tác điều tra.

leftcenterrightdel
 Những chiếc xe bị niêm phong mang đi.

Trong số 4 chiếc xe này có 1 chiếc SUV nhãn hiệu Lexus LX570 có giá mua mới ở thời điểm hiện tại khoảng từ 8 - 10 tỷ đồng tuỳ phiên bản; 1 chiếc Lexus ES 250 giá mua mới từ 2,6 tỷ đồng; 1 chiếc SUV hiệu Vinfast Lux SA 2.0 giá mua mới từ 1,2 tỷ đồng; 1 chiếc Mercedes E 300 giá mua mới từ gần 2,9 tỷ đồng.

Theo nguồn tin từ một chủ doanh nghiệp từng nhiều lần tới nhà nguyên Chủ tịch UBND TP Hạ Long, khu đất ông Hà ở có vị trí đẹp, nằm trên đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, giá đất thời điểm hiện tại dao động 300 - 350 triệu đồng/m2; diện tích dao động từ 315 - 400 m2.

"Chỉ tính riêng đất, thời điểm này có thể lên tới 100 tỷ đồng. Giờ ở đó không có đất mà mua vì không ai muốn bán. Ngôi nhà đó không dưới 70 tỷ khi hoàn thiện, được xây dựng kiểu biệt thự, sử dụng nhiều hệ thống tự động", chủ doanh nghiệp này nói.

Bên cạnh đó, căn nhà ông Hà ở gồm 4 tầng, nội thất được bày biện bằng những đồ sang trọng, đắt giá. Loạt cây cảnh cũng thuộc dạng hiếm.

Ông Phạm Hồng Hà đối diện mức án nào?

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại tài sản nhà nước, vi phạm về quản lý kinh tế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân và nhiều người đã bị khởi tố, điều tra về các tội danh khác nhau trong đó mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.

leftcenterrightdel
  Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)  

Luật sư Cường cho biết, với tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" vừa bị khởi tố, nguyên Chủ tịch TP Hạ Long Phạm Hồng Hà phải đối diện với mức án cao nhất lên đến 10 năm tù giam theo Khoản 2, Điều 356 Bộ luật hình sự.

"Trong vụ án này cơ quan điều tra sẽ làm rõ mức độ vi phạm của ông Phạm Hồng Hà đến đâu và cũng xem xét những tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, quá trình công tác có thành tích gì không, từ đó đưa ra mức án cụ thể", luật sư Cường phân tích.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các tài sản do phạm tội mà có, những vật chứng của vụ án để tiến hành niêm phong, kê biên để xử lý theo quy định của pháp luật.

"Trong quá trình đọc lệnh bắt giữ và khám xét tại nhà riêng của ông Phạm Hồng Hà thì cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu đồ vật, trong đó có bốn chiếc xe ô tô đắt tiền. Có thể cơ quan điều tra xác định những chiếc xe này là vật chứng của vụ án, có liên quan đến tội phạm nên tạm thời thu giữ để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc xử lý vật chứng vụ án hình sự được quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự", luật sư Cường phân tích.

Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định “vật chứng” là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vật chứng được xử lý như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Nếu quá trình điều tra mà có căn cứ xác định tài sản không liên quan đến tội phạm thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu trừ trường hợp tài sản đó là của người phạm tội, cần phải tạm giữ để đảm bảo thi hành án đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra các tội danh về kinh tế và chức vụ còn có hình phạt bổ sung là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Bởi vậy, cơ quan điều tra cũng có thể tạm giữ tài sản để áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tài sản khi tòa án giải quyết.

“Đối với những chiếc xe sang thu giữ tại nhà nguyên Chủ tịch TP Hạ Long Phạm Hồng Hà thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành bảo quản, quản lý theo quy định của pháp luật và xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng những chiếc xe này như thế nào, có liên quan đến tội phạm hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp những chiếc xe này không có liên quan đến tội phạm, không phải nguồn gốc do phạm tội mà có cũng không sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội và không phải tài sản thuộc sở hữu của bị can mà là tài sản của người khác thì sẽ trả lại cho chủ sở hữu tài sản theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự hiện hành”, luật sư Cường nói.

Ông Phạm Hồng Hà từng giữ chức Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND TP Hạ Long kiêm Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long. Ông Hà nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 9/2020.

T.B

Nguồn
Link bài gốc