Bên trong dự án rừng dầu Hồng Liêm xây dựng rất nhiều công trình. 

Tháng 6/2008, UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án rừng dầu Hồng Liêm. Dự án có quy mô hơn 3.300 ha do Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, kể từ ngày được UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Mục tiêu của dự án là quản lý, bảo vệ khoanh nuôi, tái sinh và phát triển rừng dầu, trong đó diện tích 1.645 ha đất rừng phòng hộ và 1.427 ha đất rừng sản xuất. Sau đó, Tập đoàn Rạng Đông đã lập khu bảo tồn thiên nhiên, nuôi thú hoang dã quý hiếm theo hình thức công viên động vật hoang dã Safari ở đây.

Trong thời gian triển khai dự án này, Tập đoàn Rạng Đông đã tác động xây dựng các công trình khi chưa có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Cụ thể, Tập đoàn Rạng Đông đã tác động xây dựng các công trình tại khu vực dự án rừng dầu, gồm trung tâm hội nghị, khu ẩm thực, khu bán vé, khu cà phê, nhà rông… khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Bên cạnh đó, tập đoàn Rạng Đông còn xây dựng các công trình phục vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học như trại nhân giống; chuồng nuôi, vườn ươm… với diện tích 2,2ha được xây dựng theo hình thức nhà tiền chế, dã chiến đã được các sở, ngành liên quan và địa phương thống nhất không đưa vào diện tích xử lý vi phạm.

Tháng 3/2022, ông Lê Tuấn Phong - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận mới ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Rạng Đông xảy ra tại dự án rừng dầu Hồng Liêm.

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận xác định, Công ty CP Rạng Đông có 3 lỗi vi phạm hành chính: Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha vào mục đích khác khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tại khu vực dự án rừng dầu Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc. Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với diện tích từ 0,5 ha đến dưới 1 ha vào mục đích khác khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép tại khu vực dự án rừng dầu Hồng Liêm. Công ty Rạng Đông đã không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc triển khai xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh và dịch vụ có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên Môi trường phê duyệt.


 UBND tỉnh Bình Thuận từng xử phạt Tập đoàn Rạng Đông tổng cộng 575 triệu đồng ở dự án rừng dầu Hồng Liêm.

Với những vi phạm nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận xử phạt Tập đoàn Rạng Đông tổng cộng 575 triệu đồng. Buộc Công ty CP Rạng Đông khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, với số tiền hơn 57 triệu đồng theo quy định.

Tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu chủ dự án phải rà soát lại sự phù hợp quy hoạch của dự án, cơ sở đã triển khai. Trường hợp đáp ứng yêu cầu thì phải lập dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường (dự án này bao gồm cả các hạng mục đã được triển khai, đưa vào vận hành) trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là 60 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.

 Đây là dự án cuối cùng trong 9 dự án tại Bình Thuận mà C01 - Bộ Công an đang thụ lý giải quyết nguồn tin tội phạm về vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; vi phạm các quy định về quản lý đất đai và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

C01 đã kiểm tra các dự án Tân Việt Phát 2 (Phan Thiết); Dự án lấn biển và sắp xếp lại khu dân cư phường Đức Long (Phan Thiết); Dự án du lịch Hòn Lan (Hàm Thuận Nam); Dự án Biển Quê Hương (Hàm Thuận Nam và Phan Thiết); Khu đô thị Biển Phan Thiết; Dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn (Phan Thiết); Dự án Khu du lịch Xuân Quỳnh (Phan Thiết); Khu du lịch dã ngoại phường Mũi Né (Phan Thiết) và dự án rừng dầu Hồng Liêm ở xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc.

DQ

Nguồn
Link bài gốc