leftcenterrightdel
 

Thông tư 24 sửa đổi bổ sung quy định về "Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chứng khoán" (Điều 5) như sau:

Đối tượng lập dự phòng là các loại chứng khoán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành theo quy định của pháp luật, thuộc sở hữu của doanh nghiệp, đang được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán trong nước, được tự do mua bán trên thị trường và giá chứng khoán thực tế trên thị trường tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm thấp hơn giá trị của khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán.

Đối tượng lập dự phòng nêu trên không bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương.

Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 1 Điều 5, nêu rõ, mức trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán được tính theo công thức sau: Mức trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán được tính bằng giá trị khoản đầu tư chứng khoán đang hạch toán trên sổ kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm trừ đi tích của số lượng chứng khoán doanh nghiệp đang sở hữu và giá chứng khoán thực tế trên thị trường.

Đối với chứng khoán đã niêm yết (bao gồm cả cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh, chứng quyền có đảm bảo đã niêm yết): giá chứng khoán thực tế trên thị trường được tính theo giá đóng cửa tại ngày gần nhất có giao dịch tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính năm.

Đối với cổ phiếu đã đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết và các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa dưới hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng (Upcom) thì giá chứng khoán thực tế trên thị trường được xác định là giá tham chiếu bình quân trong 30 ngày giao dịch liền kề gần nhất trước thời điểm lập báo cáo tài chính năm do Sở Giao dịch chứng khoán công bố.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp đã niêm yết, đăng ký giao dịch, giá trái phiếu trên thị trường là giá giao dịch gần nhất tại Sở Giao dịch chứng khoán trong vòng 10 ngày tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính. Trường hợp không có giao dịch trong vòng 10 ngày tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính năm thì doanh nghiệp không thực hiện trích lập dự phòng đối với khoản đầu tư này.

Số dư dự phòng các khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương mà doanh nghiệp đã trích lập đến trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành (nếu có) được hoàn nhập, ghi giảm chi phí tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm 2022.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2022.

Ngày 25/4, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời báo chí liên quan tới những giải pháp của Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động, khẳng định sẽ không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và luôn đưa ra chính sách để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Bộ Tài chính nhìn nhận, những sự việc vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh để thị trường quay trở lại hoạt động ổn định nhằm phát triển minh bạch, bảo đảm việc kinh doanh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường.

Theo Bộ trưởng, việc xử lý các vi phạm là cá biệt và riêng lẻ, đây là hành động nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ quá trình phát hành cũng như giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp phát hiện bất cập và rủi ro sẽ tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Chia sẻ về những sai phạm trên thị trường chứng khoán và trái phiếu gần đây, người đứng đầu Bộ Tài chính nhận định thị trường chứng khoán và các hoạt động kinh tế phải tuân theo quy luật khách quan của thị trường, nhưng cũng cần có giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn các mặt trái của quy luật thị trường như các hành động lách luật.

Việc thị trường tăng giảm là do quy luật của thị trường, tuân theo cung cầu của người mua, người bán. Cơ quan quản lý cần tạo ra sân chơi bình đẳng để thị trường hoạt động minh bạch. Bộ Tài chính sẽ bám sát theo quy định của pháp luật để ngăn ngừa sai phạm và xử lý sai phạm.

H.P

Nguồn
Link bài gốc