Sau một loạt vụ bỏ cọc khi đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là “cơn địa chấn” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Bộ TN&MT đang đề xuất bổ sung quy định về đấu giá quyền sử dụng đất; quy định rõ việc xử phạt đối với trường hợp tự ý bỏ cọc khi tham gia đấu giá đất để ngăn chặn ngay từ đầu các tiêu cực.
Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013, đang lấy ý kiến của công chúng, Bộ TN&MT đề xuất bổ sung quy định về xác định và phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá; điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá; quy định quyền và trách nhiệm của người tham gia đấu giá.
Cụ thể, tổ chức tham gia đấu giá phải có đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng được nhà nước giao đất, cho thuê đất; có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 hécta; có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất.
Tổ chức tham gia đấu giá phải ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác; phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá để đảm bảo năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt.
|
|
Một buổi đăng ký tham dự đấu giá tại huyện Thanh Oai (Hà Nội). |
Với cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, dự thảo quy định phải có đủ các điều kiện như: Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm cho tổ chức đấu giá để đảm bảo năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt.
Trường hợp cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải bảo đảm đủ các điều kiện quy định nêu trên.
Về khoản tiền đặt trước, Bộ TN&MT đề xuất do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận nhưng tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Số tiền này gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 5 triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Đáng chú ý, theo đề xuất của Bộ TN&MT, trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, bỏ khoản tiền đặt trước (bỏ cọc) cũng như từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước - tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá.
Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ số tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian 5 năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
Sau khi người tham gia đấu giá nộp đủ tiền bồi thường cho nhà nước thì sẽ được nhận lại tài sản thế chấp. Trường hợp người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản thế chấp.
Giá trị của tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tài sản bảo đảm và tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.
Bộ TN&MTcũng đề xuất bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, như: Được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến thửa đất đấu giá; có quyền từ chối tham gia cuộc đấu giá và được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp có thay đổi về giá khởi điểm, vị trí, diện tích, loại đất đã niêm yết, thông báo công khai; trường hợp khoản tiền đặt trước phát sinh lãi thì người tham gia đấu giá được nhận tiền lãi đó.
Sau khi trúng đấu giá, người tham gia đấu giá phải thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt; nếu người trúng đấu giá không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không bồi thường.
Giá khởi điểm của thửa đất đấu giá là giá đất cụ thể, giá khởi điểm không được thấp hơn bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh; trình tự, thủ tục xác định giá đất cụ thể thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngày 24-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 9 của UBTVQH khóa XV.
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, UBTVQH yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật có liên quan. Khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan, nhất là các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, tỉ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá đất nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết.
Trước đó vào ngày 16-3, UBTVQH đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
A.K