Các gói thi công xây dựng mạng lưới cấp nước luôn chiếm tỉ trọng cao nhất về giá trị trong tổng số các gói thầu tại Công ty TNHH Một thành viên nước sạch Hà Nội (Công ty nước sạch Hà Nội) đã mời thầu. Có điều lạ là nhiều nhà thầu khác rất muốn tham gia nhưng không thể đáp ứng được “các tiêu chí” ngoài 4 nhà thầu là: Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng 18 (Công ty 18); Công ty Cổ phần Viwaseen3 (VIWASEEN3); Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng nước sạch Hà Nội (Công ty hạ tầng Hà Nội) và Công ty Cổ phần xây dựng và Đầu tư phát triển Kiến trúc Đô thị (Công ty kiến trúc Hà Nội), vì họ luôn phải đấu với 2, thậm chí 3 trong tổng số 4 nhà thầu trên.
|
|
Các nhà thầu khác muốn tham gia các gói thi công xây dựng mạng lưới cấp nước luôn phải đấu ít nhất với 2 hoặc 3 nhà thầu, nếu 2 trong số 4 nhà thầu này liên danh cùng nhau |
Điển hình là vào ngày 30/7/2018, liên danh Công ty kiến trúc Hà Nội, VIWASEEN3 trúng gói thi công xây dựng tuyến ống truyền dẫn cấp nước và thoát nước hồ Võng La, với giá đấu 172.920.503.000 đồng, giá trúng 171.940. 863.099 đồng, tỉ lệ giảm giá chỉ gần 1 tỷ đồng. Gói thầu này có sự tham gia của Công ty 18 liên danh với Công ty Hà Huy nhưng bị trượt thầu.
Theo một số nhà chuyên môn đánh giá, đơn vị trượt thầu ở đây đóng vai trò như là nhà thầu “dự phòng” để đảm bảo trường hợp có 1, hoặc 2 nhà thầu khác không nằm trong "nhóm" của họ cũng tham gia đấu thầu, bằng nhiều cách khác nhau thì nhà thầu “dự phòng” luôn là đơn vị xếp thứ hai để tránh trường hợp gói thầu rơi vào tay đơn vị khác ngoài nhóm của họ…
Tiếp đến 8/8/2018, Công ty nước sách Hà Nội ra thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thi công xây dựng mạng lưới cấp nước xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh. Theo đó liên danh Công ty 18 và Công ty hạ tầng Hà Nội đã trúng với giá 35.999.787.419 đồng, giá dự toán là 36.093.933.000 đồng, giảm được hơn 94 triệu đồng. Tại gói thầu này, Công ty kiến trúc Hà Nội cùng tham gia nhưng trượt, có dấu hiệu giữ vai trò là nhà thầu “dự phòng” cho 2 đơn vị trúng thầu trên?
Nếu như ở gói thầu đầu tiên Công ty 18 có dấu hiệu là “quân xanh” cho Công ty kiến trúc Hà Nội và VIWASEEN3 trúng thì ở gói thầu thi công xây dựng mạng lưới cấp nước xã Mê Linh, huyện Mê Linh lại được đảo vai. Theo đó VIWASEEN3 tham gia đấu và trượt vì lý do hết sức sơ đẳng của một nhà thầu lớn để 02 đơn vị trên trúng với giá 32.729.091.000 đồng, giá trước đấu 32.819.428.000 đồng, tiết kiệm được hơn 90 triệu đồng, gói này được Công ty nước sạch Hà Nội ra thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 10/8/2018.
|
|
Thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, gói thầu số 12 từ Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội |
Đặc biệt ở gói thầu thi công xây dựng hệ thống mạng lưới cấp nước Ô 25 quận Ba Đình có giá trị nhỏ hơn thì Công ty 18 và Công ty Hạ tầng Hà Nội không còn liên danh sát cánh cùng nhau. Vì lẽ đó, Công ty 18 đã độc lập trúng gói thầu này. 2 nhà thầu trượt không phải đơn vị nào xa lạ nào khác chính là Công ty Hạ tầng Hà Nội, Công ty kiến trúc Hà Nội ở khâu đánh giá năng lực, kinh nghiệp và là nhà thầu xếp hạng 2.
Gói thầu này Công ty 18 trúng với giá 28.984.363.000 đồng, giá dự toán ban đầu là 29.088.896.000 đồng, sau đấu tiết kiệm được cho nhà nước vỏn vẹn 104,5 triệu đồng.
Tuy niên, ở gói thầu thi công xây dựng mạng lưới cấp nước xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Công ty Kiến trúc Hà Nội trúng được gói thầu với giá trúng 50.663.986.188 đồng, giá trước đấu thầu là 50.848.056.000 đồng, tiết kiệm cho Nhà nước hơn 185 triệu đồng. Gói thầu này, 02 nhà thầu bị trượt là liên danh Công ty 18 và Công ty Hạ tầng Hà Nội. Dư luận cho rằng, tại gói này vai trò của nhà thầu bị trượt chỉ giữ vai trò “quân xanh”?
Tương tự, kịch bản vẫn được lặp lại ở gói thầu thi công cải tạo mạng lưới cấp nước khu vực Ô 16, quận Đống Đa. Gói này Công ty 18 không còn liên danh với Công ty Hạ tầng Hà Nội. Tuy nhiên, họ liên danh với Công ty Kiến trúc Hà Nội và trúng thầu với giá 60.323.695.558 đồng, giá trước đấu 60.622.581.000 đồng, số tiền tiết kiệm gần 300 triệu đồng.
Ở gói thầu này VIWASEEN3 cũng tham gia và trượt với lý do là nhà thầu xếp thứ hai không được mời thương thảo hợp đồng do nhà thầu xếp thứ nhất đã hoàn thành thương thảo với chủ đầu tư.
Cần phải nói thêm về Công ty 18, đơn vị này được công bố trúng tất cả 12 gói thầu từ năm 2016 đến nay thì trong đó có tới 10 gói trúng tại Công ty nước sạch Hà Nội, riêng trong năm 2018 họ đã trúng tại đây 5 gói thầu, trung bình 2,4 tháng trúng 1 gói.
Ngoài Công ty 18 ra thì VIWASEEN3 với vai trò cả độc lập và liên danh cũng sở hữu thành tích đáng nể đối với tỉ lệ đấu và trúng tại Công ty nước sạch Hà Nội là 99/% tương đương tham gia đấu 11 gói thì trúng 10, từ 5 tỷ đồng cho tới làm liên danh chính trúng gói 385 tỷ đồng. Khó hiểu hơn VIWASEEN3 đấu ở một số nơi khác với giá trị thậm chí còn nhỏ hơn ở Công ty nước sạch Hà Nội như tại Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc, tham gia đấu đấu 3 gói đều bị trượt cả 3.
Có thể thấy, Công ty Hạ tầng Hà Nội là một trong những nhà thầu chỉ trúng thầu tại Công ty Nước sạch Hà Nội là nhiều. Trong tổng số 8 gói thầu trúng thầu, doanh nghiệp này trúng tại Công ty nước sạch Hà Nội tới 7 gói (ở cả 3 vai trò: độc lập, liên danh chính, liên danh phụ). Ngoài ra còn có Công ty Kiến trúc Hà Nội cũng nằm trong diện đơn vị thân quen, với cả 2 vài trò độc lập, liên danh với 3 đơn vị nêu trên và trúng tới 11 gói tại Công ty nước sạch Hà Nội (trong đó có cả các gói thầu giá trị nhỏ chỉ 5 tỷ đồng).
Vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu đã được cách chuyên gia cảnh báo từ lâu. Thế nhưng những năm gần đây có bước chuyển tinh vi hơn trước. Đó là các nhà thầu “dự bị” sẽ đàng hoàng bước qua các “khe cửa” tư cách hợp lệ, thậm chí qua cả bước đánh giá năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, các nhà thầu này lại “ngã ngựa” vào phút cuối với lý do “không làm rõ hồ sơ dự thầu”?!...
Để kịp thời ngăn chặn vấn nạn này, thiết nghĩ cơ quan chức năng liên quan cần vào cuộc, đặc biệt ở những gói thầu tại Công ty nước sạch Hà Nội, làm rõ có hay không dấu hiệu “móc ngoặc” với 04 nhà thầu khá quen mặt nêu trên.
Nhóm PV