|
|
Người dân xã Hồng An (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) kêu cứu vì "cát tặc" ngang nhiên "rút ruột" sông Hồng, gây sạt lở, xói mòn đất đai, hoa màu. Ảnh: T.D |
Từ phản ánh, kêu cứu của người dân xã Hồng An (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), những ngày cuối tháng 9.2021, PV Lao Động đã tìm về khu vực bãi bồi phía ngoài đê tả sông Hồng đoạn chạy qua khu vực dốc Điềm thuộc thôn Điềm và thôn Nam Tiến (xã Hồng An) để xác minh, ghi nhận tình hình khai thác cát trái phép đã, đang hàng ngày, đêm diễn ra tại đây.
|
|
"Cát tặc" dàn hàng trên sông Hồng, ngang nhiên đánh cắp tài nguyên. Ảnh: T.D |
Cụ thể, ngày 26.9, có mặt tại khu vực nói trên, PV đã ghi nhận toàn bộ quá trình các đối tượng "cát tặc" công khai, ngang nhiên sử dụng hàng loạt các tàu vỏ sắt, sà lan và vòi rồng với công suất lớn, đua nhau "rút ruột" lòng sông Hồng. Các đối tượng lợi dụng lúc trời mưa to, khoảng cách từ trên đê ra đến mép sông dài hàng trăm mét lại được bao bọc, che khuất bởi từng rừng chuối trùng điệp để qua mắt lực lượng chức năng và người dân ở trên bờ.
|
|
Ông L.B.H đứng cạnh bờ chuối của gia đình chỉ cho PV xem những con tàu đang hút trộm cát ngay sát mép sông. Ảnh: T.D |
Ông L.B.H (64 tuổi, trú thôn Việt Thắng, xã Hồng An) bức xúc: "Tôi thầu bãi bồi của xã để trồng chuối và làm bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng nhưng trong suốt những năm qua, việc canh tác, kinh doanh gặp vô vàn khó khăn bởi nạn "cát tặc" hoành hành. Có những lúc đến 20 con tàu, trọng tải hàng trăm m3 đua nhau dùng vòi rồng to như thân cây chuối trưởng thành cắm sâu xuống đáy sông Hồng để hút cát, lúc ít hơn như hôm nay thì có khoảng 4-5 tàu. Thời gian hoạt động của các đối tượng thường về đêm, hôm nào mưa lớn thì chúng khai thác cả ban ngày".
|
|
Ông N.M.H tỏ ra gay gắt, bức xúc trước nạn “cát tặc” hoành hành tại địa phương. Ảnh: T.D |
Còn ông N.M.H (54 tuổi, trú thôn Nam Tiến, xã Hồng An) cho biết thêm: "Mặc dù mùa mưa bão, lũ lụt rình rập nhưng từng đoàn tàu hút cát trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động tấp nập. Những vườn chuối tốt tươi, xanh ngút ngàn của người dân chúng tôi bị đe dọa nghiêm trọng, nguy cơ bị xói lở, sạt lún xuống sông bất cứ lúc nào. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt hơn để bảo vệ con sông, bảo vệ đất đai, hoa màu cho bà con yên tâm canh tác".
Trao đổi với PV Lao Động, một lãnh đạo huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) cho hay: "Về vấn đề khai thác cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện, chúng tôi cũng đã nắm được ý kiến phản ánh của người dân. Hiện nay, trên tuyến có một số mỏ khai thác cát được tỉnh cấp phép cho một số doanh nghiệp. Lợi dụng việc này, các đối tượng "cát tặc" từ các tỉnh lân cận như Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên đã lén lút đưa tàu, sà lan đến các khu vực gần, xung quanh các mỏ để trộm cắp cát.
Việc quản lý, tuần tra kiểm soát và xử lý vấn đề này thuộc thẩm quyền của cảnh sát giao thông đường thủy. Tuy nhiên vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông nói chung phải tăng cường nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên càng là cơ hội cho "cát tặc" hoành hành".
|
|
Các đối tượng "cát tặc" ngang nhiên khai thác cát trái phép trên sông Hồng giữa mùa mưa bão. Ảnh: T.D |
Không chỉ tại xã Hồng An (huyện Hưng Hà), những ngày qua, PV Lao Động còn liên tục nhận được phản ánh của người dân xã Vũ Đoài (huyện Vũ Thư) và xã Nam Hồng (huyện Tiền Hải) đều là những địa phương có sông Hồng chạy qua về hiện tượng tương tự.
Thượng tá Lê Đức Cường - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Thái Bình) - thông tin: "Tại khu vực xã Hồng An và một số khu vực trên sông Hồng qua địa phận huyện Hưng Hà, có một số mỏ được cấp phép khai thác cát. Tuy vậy, thi thoảng vẫn có những phương tiện lợi dụng việc này để tìm đến hút trộm cát ngoài khu vực các mỏ. Chúng tôi vẫn thường xuyên chỉ đạo anh em theo dõi, bám sát để bắt giữ, xua đuổi các đối tượng này. Nhưng lực lượng cảnh sát đường thủy của phòng hiện nay rất mỏng, chỉ có hơn chục cán bộ, chiến sĩ, trong khi tuyến sông Hồng lại kéo dài, qua nhiều huyện nên rất khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý".