Để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 bảo vệ sức khỏe người dân chính quyền TP. Hà Nội đã yêu cầu đóng cửa, tạm ngưng hoạt động các cửa hàng dịch vụ không thiết yếu trên toàn địa bàn TP. Thế nhưng, không hiểu sao cửa hàng điện thoại Viettel Store tọa lạc tại số 93 Lạc Long Quân, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội được cho là vẫn mở cửa bán hàng. Cụ thể, tối 11/8 Viettel Store được cho là đã mở cửa hàng với 3 đến 4 nhân viên đang làm việc, tư vấn và bán hành cho khách.


 Cửa hàng Viettel Store số 93 Lạc Long Quân (ảnh: Kinh doanh và Biên mậu)

Trước đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 17/CĐ-UBND, theo đó TP. Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 06h00 ngày 24/7/2021 trên phạm vi toàn TP. Hà Nội.

Theo đó, TP. Hà Nội yêu cầu đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ các trường hợp sau: Các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho Nhân dân trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; cơ sở dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội. Hoạt động tang lễ: chỉ tổ chức nghi lễ trong phạm vi gia đình, không quá 20 người, không tổ chức các đoàn viếng.

Đối với các cơ sở được phép hoạt động kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu phải đáp ứng điều kiện phòng chống dịch theo quy định và chủ cơ sở phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng và yêu cầu kiểm soát toàn bộ người đến mua hàng/sử dụng dịch vụ và khai báo y tế bằng mã QRCode.

Cùng với đó, ngày 27/7/2021, Bộ Công thương đã gửi công văn hỏa tốc số 4481/BCT-TTTN đến Sở Công thương các tỉnh, thành trên cả nước thông tin cụ thể về danh mục hàng hóa thiết yếu.

Trong công văn, Bộ Công thương đề nghị Sở công thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh, cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu như sau: Nhóm thực phẩm (bao gồm các mặt hàng theo danh mục phụ lục II, phục lục III và mục 3, 4, 5, 6, 7, 8 phụ lục IV ban hành kèm nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm, cụ thể tại phụ lục đính kèm.

Nhóm hàng hóa nguyên liệu phục vụ (bao gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...); Nhóm nhiên liệu, năng lượng (như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than...); Và các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

leftcenterrightdel

    Hóa đơn mua hàng tại Viettel Store. (ảnh: Kinh doanh và Biên mậu)

Như vậy, cả Chỉ thị số 17/CĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 4481/BCT-TTTN của Bộ Công thương đều không đưa mặt hàng điện thoại di động, thiết bị viễn thông vào danh mục được phép mở cửa kinh doanh trong thời gian giãn cách.

Bảo Minh

Nguồn Theo TC&DT
Link bài gốc

https://tctd.vn/cua-hang-dien-thoai-viettel-store-co-duoc-uu-ai-mo-cua-ban-hang-bat-chap-lenh-gian-cach-xa-hoi-a2424.html