Công ty Phúc Hoàng Ngưu đã cho xe ủi đến san lấp tại khu vực chưa được đền bù, khiến nhiều người dân tại khu phố Tân Vinh bức xúc. 

Đã “treo” còn làm ẩu

Ông Lê Hữu Vôn - một người dân trú tại khu phố Tân Vinh, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) bức xúc nói: Năm 2014, kể từ khi Dự án Khu du lịch công viên (KDLCV) Biển Xanh được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đến nay, người dân trong thôn phải sống trong tâm trạng mệt mỏi. Phía chủ đầu tư liên tục tổ chức các đợt kiểm kê tài sản của người dân để tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, họ (chủ đầu tư) chỉ đến đo đạc, kiểm kê rồi lại để đấy mà không có bất kỳ động thái nào khác. Dự án bị “treo” cũng đồng nghĩa với người dân không được sửa chữa, xây mới khi nhà bị hư hỏng, dột nát, thậm chí là san tách hộ cho con cái khi đến tuổi lập gia đình và có nhu cầu ra ở riêng.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện, gia đình ông Vôn đang có tới 3 thế hệ, với 16 nhân khẩu sống trong khu nhà gồm 1 nhà chính và một khu nhà bếp, rộng chưa đến 200m2. Đây lại là căn nhà được bố ông xây dựng bằng hồ vôi cát từ những năm 80 nên đã bị hư hỏng từ nhiều năm trước, trời mưa bão rất nguy hiểm.... Trước những khó khăn này, ông Vôn đã nhiều lần làm đơn, kiến nghị xin được được tách thửa, xây dựng, cơi nới thêm cho vợ chồng con cái ra ở riêng nhưng không được xã chấp thuận. Lý do bởi đây là khu vực đang nằm trong quy hoạch dự án.

“Phải đến đầu năm nay, người dân mới được biết, dự án sẽ được chủ đầu tư tái khởi động. Tuy nhiên, trong khi người dân chúng tôi đang “dài cổ” đợi thì bất ngờ vào các ngày 22 - 23/9, Công ty CP Phúc Hoàng Ngưu cho người và máy ủi đến tự ý san lấp khu vườn trồng bạch đàn, phi lao của gia đình tôi đã khai hoang và sử dụng từ mấy chục năm nay. Đây là khu vực mà họ chưa tiến hành đền bù và có sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Thậm chí, họ còn cho xe tải chở đất đá chặn đường dân sinh, lấp kênh tiêu nước ra biển của khu phố” - ông Vôn nói.

Cùng chung tâm trạng như ông Vôn, bà Phạm Thị Triệu - phố Tân Vinh, phường Hải Bình cho biết: Sau nhiều lần chủ đầu tư kết hợp với chính quyền tiến hành kiểm kê tài sản thì lần gần đây nhất vào tháng 9/2021, gia đình bà nhận được giấy mời của phường, thông báo việc đến nhận tiền đền bù để di dời. Lúc này bà Triệu mới biết, gia đình mình cùng 15 hộ dân khác sẽ được giải tỏa trong đợt này. Tuy nhiên, giá đền bù được áp khá khó hiểu. Đơn cử như: Cùng chung một thửa đất nhưng đất của vợ chồng bà được áp giá là 2,6 triệu đồng/m2, trong khi đó, đất của vợ chồng con trai bà Triệu chỉ được áp với mức giá là 2,1 triệu đồng/m2. Đồng thời, đất tại khu mặt bằng tái định cư mà người dân được di dời tới lại có mức giá 3,1 triệu đồng/m2. Cùng với đó là mặt bằng chưa được chủ đầu tư san lấp hoàn thiện nên các hộ dân trong diện phải di dời chưa nhất trí và phản đối.

Tình trạng trên không chỉ xảy ra ở phố Tân Vinh mà tại các phố: Tân Hải, Nam Hải - phường Hải Bình người dân cũng đang phải sống trong tình cảnh tương tự.

Chính quyền ưu ái?

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề trên, ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình cho biết: Tháng 12/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản chấp thuận chủ trương, địa điểm cho Công ty CP Phúc Hoàng Ngưu thực hiện KDLCV Biển Xanh. Dự án có quy mô diện tích 12,27 ha. Trước sự “ì ạch” trong triển khai, cũng như hỗ trợ đền bù, bố trí tái định cư, UBND tỉnh Thanh Hóa gia hạn cho dự án này đến…6 lần. Và đến lần gần đây nhất là đầu năm 2020, dự án mới lại được tái khởi động. Nguyên nhân chính dẫn đến dự án chậm tiến độ có thể là do nhà đầu tư thiếu khả năng về tài chính. “Do chậm triển khai, dự án đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân cũng như việc phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương”- ông Sơn nói.

Đồng thời, ông Sơn cũng cho biết, trước sự việc Công ty CP Phúc Hoàng Ngưu cho máy móc tự ý tiến hành san lấp khu vực chưa đền bù, giải phóng mặt bằng tại khu phố Tân Vinh trong các ngày 22-23/9, UBND phường Hải Bình đã có Công văn gửi Công ty CP Phúc Hoàng Ngưu yêu cầu: Phía doanh nghiệp dừng việc san lấp tại khu vực đất đang có đơn kiến nghị của nhân dân, khẩn trương san gạt ngay số đất đá mà công ty này đã đổ chắn mất lối đi cũng như kênh tiêu úng để người và phương tiện tham gia giao thông được thuận lợi và tránh gây bức xúc trong dư luận. UBND phường Hải Bình đề nghị công ty chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, khi tiến hành xây dựng phải báo cáo với địa phương để tạo điều kiện cho việc quản lý.

“Còn về việc áp giá đền bù cho bà con, chúng tôi cũng sẽ có kiến nghị bằng văn bản gửi các cấp, đề nghị xem xét lại giá đất giữa nơi đi và nơi đến. Chứ với mức giá chênh lệch hiện tại, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển đến nơi ở mới!”- ông Sơn bày tỏ.

Nguyễn Chung

Nguồn Báo Đại đoàn kết
Link bài gốc

http://daidoanket.vn/dan-khon-kho-vi-du-an-tai-tieng-5668182.html