Liên quan vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và một số đơn vị, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng, trong đó có ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương cùng thuộc cấp là Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm COVID cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng. Đồng thời xác định, hành vi của ông Tuyến vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, vi phạm các điều cấm quy định tại Luật Đấu thầu, có dấu hiệu của tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Dư luận đặt câu hỏi, để xảy ra sự việc trên, ngoài hành vi vi phạm của ông Phạm Duy Tuyến, các cơ quan chức năng nào có tỉnh Hải Dương có thể phải chịu trách nhiệm liên đới?
|
|
Ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông cho biết, Luật Đấu thầu đã quy định rất cụ thể, chặt chẽ về quy trình đấu thầu mua sắm thiết bị y tế kể cả trong trường hợp chỉ định thầu. Luật Giá cũng quy định chi tiết về quy trình thẩm định giá và cách thức xác định giá khi mua sắm, tuy nhiên, việc thiếu cơ chế giám sát, thiếu công khai minh bạch cùng với cơ chế đặc thù trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, phục vụ phòng chống dịch mà Quốc hội, Chính phủ trao quyền cho các địa phương là một trong những nguyên nhân để đối tượng Phan Quốc Việt và Phạm Duy Tuyến thực hiện hành vi trục lợi.
“Trong sự việc này, các cơ quan chức năng, ban ngành tỉnh Hải Dương đã không làm tròn trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát. Một mình Giám đốc CDC Hải Dương không thể tự ý ký hợp đồng mua kit test COVID với công ty Việt Á mà cần phải thông qua một quy trình với sự tham gia của nhiều cơ quan. Đầu tiên phải nói đây là trách nhiệm của UBND tỉnh Hải Dương, sau đó là trách nhiệm của Sở Y tế, cơ quan quản lý về chuyên môn y tế, quản lý về nhà nước về khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh do đó cơ quan này không thể đứng ngoài cuộc. Cùng với đó, trách nhiệm lớn nữa là của Sở Tài Chính, cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, khi có các chứng thư thẩm định giá thay có tờ trình về giá lên, Sở Tài chính phải thành lập Hội đồng thẩm định giá để xem xét mức giá đó có phù hợp hay không”, luật sư Huế nêu ý kiến.
Luật sư Nguyễn Danh Huế cho rằng, khi CDC Hải Dương chi 151 tỷ để mua kít xét nghiệm của công ty Việt Á cần phải có văn bản đồng ý về chủ trương của UBND tỉnh Hải Dương và giao cho các sở, bạn ngành liên quan tổ chức thực hiện, sở Tài Chính tỉnh Hải Dương sẽ phải tiến hành thẩm định giá và trình UBND tỉnh phê duyệt.
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, ông Phạm Duy Tuyến, CDC Hải Dương cùng thuộc cấp có sự cấu kết với các đối tượng là lãnh đạo Công ty Việt Á, không tuân thủ quy định của Luật đấu thầu, thu lợi bất chính, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, người chi trả cho thất thoát ấy chính là nhân dân. Đây là thiệt hại kép, không những thiệt hại của nhà nước khi phải bỏ ra số tiền lớn để chi trả cho hoạt động mua sắm mà còn gây ra thiệt hại với tổ chức, cá nhân khác khi sử dụng các dịch vụ y tế này.
Pháp luật quy định hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu có thể thực hiện bằng hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế, đấu thầu trực tiếp hoặc qua mạng. Ngoài ra còn hình thức chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu phải tuân thủ quy định của Luật đấu thầu cũng như văn bản hướng dẫn thi hành. Chỉ định thầu được áp dụng trong một số trường hợp theo điều 22, Luật Đấu thầu 2013.
Trong đó có các gói thầu "mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách" thì sẽ tiến hành chỉ định thầu chứ không tổ chức đấu thầu rộng rãi. Tuy nhiên, việc chỉ định thầu cũng phải theo quy định của pháp luật để đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong hoạt động đấu thầu. Đồng thời thực hiện các bước trình tự thủ tục để xác định năng lực nhà thầu, xác định giá trị hàng hóa, gói thầu, tiến hành đàm phán, kiểm tra hồ sơ, ký kết hợp đồng.
“Các quy trình được pháp luật quy định cụ thể, chặt chẽ. Nếu cán bộ có liên quan, các cơ quan tổ chức thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật về lựa chọn nhà thầu, tổ chức chỉ định thầu sẽ mang lại giá trị, lợi ích cho nhà nước. Cùng khoản tiền đó nếu các đơn vị sử dụng tiền để mua sắm tài sản công mà biết được giá thị trường của hàng hóa có thể mua được bằng giá hoặc thấp hơn giá thị trường. Tuy nhiên, trường hợp người quản lý nguồn vốn đi mua sắm hàng hóa, thiết bị y tế lại không biết giá thị trường như thế nào, giá chào hàng cạnh tranh ra sao hoặc có biết nhưng cố tình cấu kết với doanh nghiệp cung ứng để thổi giá dẫn đến nhà nước phải mua với giá cao hơn thị trường, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước”, Luật sư Cường nêu ý kiến.
Dẫn thông tin cho rằng có việc chung chi của Việt Á cho Giám đốc CDC Hải Dương dưới dạng phần trăm ngoài hợp đồng lên đến gần 30 tỷ, luật sư Cường cho rằng, đây là hoạt động chỉ định thầu có dấu hiệu vi phạm thông thầu, có hoạt động vi phạm về công khai, minh bạch, công bằng trong đấu thầu, gây thiệt hại đến tài sản nhà nước.
“Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vi phạm về đấu thầu là hành vi nào, diễn ra trong không gian nào, đối với các gói thầu nào, ai là người khởi xướng, ai là người thực hiện và ai là đối tượng xúi giục, giúp sức cho các bị can thực hiện hành vi, đồng thời làm rõ hậu quả, thiệt hại từ các hành vi đó để xử lý theo quy định pháp luật:, luật sư Cường nêu ý kiến.
Luật sư Cường cũng cho biết, vụ việc trên cho thấy một vấn đề về cơ chế quản lý, giám sát.
“Một đơn vị như CDC một địa phương mua sắm thiết bị, Giám đốc Sở Y tế lại nói không liên quan. Tuy nhiên, Sở Y tế là cơ quan chuyên môn kiểm soát về mặt hành chính, chức năng nhiệm vụ đã được Luật quy định rõ. Cho thấy, đang có thiếu sót, kẽ hở trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động mua sắm tài sản công như vậy. Do đó, cần phải hoàn thiện quy định này và gắn trách nhiệm cho cơ quan chức năng quản lý tại địa phương”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Trước đó, trao đổi trên tờ Lao Động, ông Phạm Mạnh Cường, giám đốc sở Y tế tỉnh Hải Dương cho biết, Bộ Công an cũng đã làm việc với sở về các nội dung liên quan đến việc CDC Hải Dương mua thiết bị, vật tư tiêu hao của công ty Việt Á, nhưng sở y tế không liên quan. "Trong quy trình thực hiện việc mua kit test, các đơn vị sự nghiệp (CDC Hải Dương) sẽ tự thực hiện các bước theo quy định. Sở Y tế tỉnh chỉ đồng ý về chủ trương đối với hoạt động mua vật tư thiết bị, còn CDC sẽ tự triển khai các bước cụ thể”, ông Cường nói.
Theo Giám đốc sở Y tế tỉnh Hải Dương, việc chỉ định thầu cho công ty Việt Á cung cấp thiết bị vật tư phòng chống dịch cho tỉnh, CDC Hải Dương lập kế hoạch mời thầu trình sở Y tế tỉnh, sau đó sở Y tế có tờ trình UBND tỉnh, UBND tỉnh đã báo cáo thường vụ Tỉnh ủy và được tỉnh đồng ý với chủ trương này. Thực hiện cụ thể gói thầu như nào là do CDC Hải Dương triển khai. “Tỉnh đã giao cho CDC Hải Dương thực hiện việc mời thầu, mua bán vật tư thiết bị thì CDC tự chịu trách nhiệm trong việc mua bán cụ thể như thế nào. Mà việc chỉ định thầu còn có rất nhiều hạng mục khác, với nhiều đơn vị khác, chứ không phải chỉ kit test của công ty Việt Á. Việt Á là chỉ là một trong các đơn vị cung cấp vật tư thiết bị cho Hải Dương. “Việc CDC Hải Dương thực hiện chỉ định thầu đối với công ty Việt Á là theo chỉ định của tỉnh. Việc thực hiện cũng theo các quy định cụ thể của luật”, ông Cường nói.
|
Mai Lan