“Sân sau” của bị can Chung là Cty có tên Arktic, chỉ vừa “sơ sinh” đã kinh doanh chế phẩm Redoxy 3C, xe làm sạch đường, máy nghiền cây… cho các đơn vị liên quan trực thuộc UBND Hà Nội.
Từ cuối 2015, khi ông Chung nhậm chức Chủ tịch TP, vợ ông đã thành lập Cty Arktic, góp 5 tỷ đồng (100% vốn điều lệ) đứng tên con trai mình và một người khác. Toàn bộ hồ sơ đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Cty Arktic đều do vợ ông Chung thực hiện và tự ký giả chữ ký của con trai.
Chỉ nửa năm sau đó, vợ ông Chung làm hồ sơ “chuyển nhượng cổ phần” để thay đổi thành viên góp vốn sang “Giám đốc mới” (hiện bị đề nghị truy tố cùng bị can Chung) và một người khác. Đây chỉ là cách làm để hợp pháp hoá việc “độc quyền nhập khẩu” một số mặt hàng sau này. Không có việc mua, bán, không có việc thanh toán tiền giữa các bên “chuyển nhượng vốn góp”. Trụ sở chính của Arktic vẫn tại số 12 Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, chính là siêu thị Minh Hoa của gia đình ông Chung.
Sau khi đã tạo pháp nhân, dù không đăng ký ngành nghề kinh doanh hóa chất, Arktic đã bắt đầu “kinh doanh”, đơn hàng đầu tiên là chế phẩm Redoxy 3C. Trên cơ sở chỉ đạo, điều hành, tạo điều kiện của ông Chung và “đặt hàng” của Cty Thoát nước Hà Nội, Arktic đã có 13 phiếu đặt hàng, mở tờ khai hải quan để nhập chế phẩm Redoxy 3C giá hơn 115 tỷ đồng; bán lại cho Cty Thoát nước Hà Nội để lấy hơn 151 tỷ đồng, “thu lời” hơn 36 tỷ.
“Oách” ở chỗ sau khi nhập khẩu chế phẩm Redoxy 3C, dù chưa ký hợp đồng mua bán, và không có kho bãi; Cty Arktic chuyển thẳng về để ở kho của Cty Thoát nước Hà Nội. “Oách” hơn nữa, trước đó giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội còn phải mang tiền túi 4,6 tỷ của gia đình để “ứng” cho Cty Arktic thực hiện nhập khẩu chế phẩm này.
Những “thương vụ” sau này như xe quét hút Hako, máy nghiền cây bán cho các Cty đã trúng các gói thầu vệ sinh môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, cho các đơn vị mua để tài trợ UBND TP Hà Nội… cũng “thuận lợi” như vậy.
Nếu cứ mở doanh nghiệp mà được “tạo điều kiện” như Arktic, thì ai cũng ham mở Cty mà không đắn đo một điều gì: Không cần vốn, không cần kinh nghiệm, không cần cạnh tranh, không cần tìm thị trường… chỉ cần ký mà đút túi mỗi “thương vụ” hàng chục tỷ.
Thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng chức vụ quyền hạn để “chăm bẵm” Cty sân sau của mình, như vậy là đã nhận diện được, đã bị “chỉ mặt đặt tên”. Điều quan trọng hơn khi đóng lại hồ sơ vụ án này, là pháp luật cần có thêm những quy định để phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng nêu trên. Làm sao phải có những quy định pháp luật càng kín kẽ, chặt chẽ, rõ ràng trong lĩnh vực này; để những đối tượng manh nha có ý định phạm tội phải dập tắt ý tưởng xấu ngay từ trong trứng nước.
Minh Khang