leftcenterrightdel

 Ba bị can trong vụ án. 

Theo điều tra ban đầu, các cá nhân này lợi dụng tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để thực hiện hành vi nhận hối lộ nhằm sắp xếp cho các phương tiện được lên khu vực cửa khẩu không đúng quy định. Các đối tượng đã  thông đồng tìm những xe đã được cấp phiếu xếp xe xuất khẩu hàng hóa nhưng do hàng bị hỏng hoặc quay đầu, đổi đầu container để đưa những xe mới đến thay với giá từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/xe. Số tiền thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cả hành vi đưa hối lộ và hành vi nhận hối lộ đều là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý với chế tài nghiêm khắc. Theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015, tội đưa hối lộ được quy định tại điều 364 và tội nhận hối lộ được quy định tại điều 354, theo đó hình phạt cao nhất của hành vi nhận hối lộ có thể đến tù chung thân hoặc tử hình. Còn hành vi đưa hối lộ có hình phạt cao nhất đến 20 năm tù.

Để kết tội các đối tượng về tội nhận hối lộ, cơ quan điều tra cần thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh người đã nhận tiền của các lái xe là người có chức vụ, có quyền hạn trong việc bố trí vị trí đỗ xe cho các lái xe trước khi thông quan. Lợi dụng chức vụ quyền hạn này, các đối tượng đã nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền là xếp vị trí cho những xe đó được làm thủ tục trước để xuất khẩu.

Hành vi này là vi phạm pháp luật, vi phạm tính đúng đắn trong hoạt động quản lý nhà nước, gây bất bình đẳng trong xã hội, bức xúc trong dư luận. Bởi vậy, trong trường hợp chứng minh được những yếu tố trên, việc xử lý những người nhận tiền về tội nhận hối lộ là có căn cứ.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền nhận hối lộ là bao nhiêu, nhận của những ai và nhận bao nhiêu lần. Tình tiết phạm tội nhiều lần có thể được áp dụng trong vụ án này. Cũng cần lưu ý là người nhận hối lộ không chỉ là người có "chức vụ", không chỉ là công chức, lãnh đạo mà còn là những người khác khi họ có "quyền hạn", được giao thẩm quyền thực hiện các công việc liên quan đến quản lý an ninh trật tự, quản lý hành chính... Nhưng đã lợi dụng chức vụ hoặc lợi dụng quyền hạn của mình để nhận tiền, nhận lợi ích vật chất hoặc phi vật chất của người khác để làm hoặc không làm công việc vì lợi ích của người đưa hối lộ.

Theo điều 354, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội nhận hối lộ, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy các đối tượng đã nhận hối lộ từ hai lần trở lên hoặc hành vi được xác định là lạm dụng chức vụ quyền hạn thì khung hình phạt tối thiểu là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Trường hợp số tiền nhận hối lộ từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, hình phạt có thể tới 20 năm tù. Nếu số tiền nhận hối lộ từ hơn 1 tỷ trở lên, người nhận hối lộ sẽ đối mặt khung cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Với người đưa hối lộ, theo điều 364, Bộ luật hình sự năm 2015 sẽ bị xử lý hình sự có thể tới 20 năm tù, trừ một số trường hợp hành vi đưa hối lộ là bị ép buộc và đã chủ động khai báo với cơ quan điều tra. Hành vi đưa hối lộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức mình bị thoái hoá biến chất. Bởi vậy hành vi đưa hối lộ là hành vi nguy hiểm và phải bị xử lý trước pháp luật.

PV

Nguồn
Link bài gốc