leftcenterrightdel
Trước đây những sai phạm về đấu thầu thường xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng…, nhưng thời gian gần đây liên tục bị phát hiện ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet 


Một số vụ việc nghiêm trọng khác bị khởi tố hình sự là nguyên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng một số cán bộ công chức, lãnh đạo doanh nghiệp trong 3 vụ án ở Hà Nội bị bắt liên quan đến các sai phạm về đấu thầu.

Theo các chuyên gia, trước đây những sai phạm về đấu thầu thường xảy ra ở các dự án trong lĩnh vực giao thông, xây dựng…, nhưng thời gian gần đây liên tục bị phát hiện ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục khiến dư luận bức xúc. Điểm chung trong các vụ án này là chủ đầu tư thông đồng với đơn vị thẩm định giá, nhà thầu “thổi giá” thiết bị y tế, giáo dục, rồi hợp thức hóa qua quá trình đấu thầu, gây thiệt hại, thất thoát ngân sách nhà nước và thiệt hại kinh tế cho người sử dụng.

Hiện nay, một số chủ đầu tư đã sử dụng chứng thư thẩm định giá để xây dựng dự toán giá gói thầu. Tuy nhiên, chất lượng thẩm định giá phụ thuộc vào đạo đức nghề nghiệp, có trung thực, độc lập, khách quan hay không. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam, để bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động đấu thầu, cần cơ chế, quy định để có đơn vị độc lập hậu kiểm kết quả thẩm định giá phục vụ việc mua sắm tài sản bằng ngân sách nhà nước.

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư DVL Venture, ở cả 3 giai đoạn của công tác đấu thầu đều tiềm ẩn các hành vi vi phạm có thể dẫn đến bị khởi tố hình sự. Ở giai đoạn tiền đấu thầu, các hành vi vi phạm xoay quanh việc lập và xác định giá gói thầu, đưa ra giá dự toán của thiết bị cao hơn giá thị trường bằng việc hợp thức hóa khâu thẩm định, phê duyệt giá gói thầu. Ở giai đoạn tổ chức đấu thầu, các bên liên quan (gồm tư vấn mời thầu, chủ đầu tư, nhà thầu, tổ chuyên gia, đơn vị thẩm định trúng thầu) thông đồng, cấu kết với nhau để sắp đặt kết quả trúng thầu (tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu). Cuộc thầu không bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch thì không tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, thậm chí giá trúng thầu gần với giá gói thầu được “thổi” ở giai đoạn trước đó. Việc thông thầu có thể diễn ra giữa các nhà thầu giữa nhà thầu với chủ đầu tư/bên mời thầu/tư vấn chấm thầu… Ở giai đoạn sau đấu thầu, các hành vi bán thầu, chuyển nhượng thầu bất hợp pháp có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ gói thầu, dự án, gây thất thoát ngân sách nhà nước… Hàng loạt vụ việc bị khởi tố liên quan đến sai phạm về đấu thầu chính là bài học răn đe, thức tỉnh đối với các chủ thể liên quan khi tham gia vào quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.

 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2017 nêu “tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” như sau: Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100 - 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm gồm: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép. Còn phạm tội thuộc 1 trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 - 12 năm gồm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng. Phạm tội gây thiệt hại 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tuấn Dũng

Nguồn Báo đấu thầu
Link bài gốc

https://baodauthau.vn/hang-loat-vu-an-trong-linh-vuc-y-te-giao-duc-bi-khoi-to-bay-tham-dinh-gia-post116438.html