Văn bản 14/VBHN-BTNMT hợp nhất Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, có hiệu lực kể từ ngày 5/1/2020, được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ, có hiệu lực kể từ ngày 6/1/2022.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa.

Văn bản số 14 quy định, với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định khoản 1 Điều 41 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, hoặc đủ điều kiện nhưng chưa được UBND cấp tỉnh cho phép theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 194 Luật Đất đai thì áp dụng các mức phạt tiền từ 20- 50 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng dưới 0,5 ha.

Phạt từ 50 - 100 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 0,5 ha đến dưới 1 ha… Mức phạt cao nhất là 200 - 500 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 3 ha trở lên.

Với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ từ hai điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì mức phạt thấp nhất là 50 triệu đồng (đối với vi phạm dưới 0,5 ha), cao nhất là 1 tỷ đồng (đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 03 héc ta trở lên).

Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền mà không lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê thì xử phạt theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài bị phạt tiền, chủ đầu tư vi phạm phải làm thủ tục trình UBND cấp tỉnh cho phép phân lô, bán nền đối với trường hợp chưa có văn bản cho phép của UBND; buộc phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai đối với trường hợp không đủ điều kiện quy định; phải chịu trách nhiệm trong việc hoàn thành xây dựng nhà theo đúng thiết kế được phê duyệt.

Những trường hợp không nộp hồ sơ, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền sử dụng đất tại dự án kinh doanh bất động sản thì hình thức và mức xử phạt tương ứng với thời gian và mức độ vi phạm.

Từ sau 50 ngày đến 6 tháng: phạt tiền 10 - 30 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; từ 30 - 50 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; từ 50 - 100 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Vi phạm trong thời gian 6 - 9 tháng: Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất; từ 100 - 300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Vi phạm từ trên 9 - 12 tháng, mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng; từ 12 tháng trở lên, mức phạt đến 1 tỷ đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Nếu trong một dự án mà chủ đầu tư vi phạm ở nhiều mức thời gian khác nhau đối với các căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất khác nhau thì tính tiền phạt theo từng mức phạt, nhưng tổng số tiền phạt không được vượt quá 1 tỷ đồng. Đồng thời, buộc chủ đầu tư nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận theo quy định...

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc về của Chủ tịch UBND các cấp và thanh tra chuyên ngành.

T.K

Nguồn
Link bài gốc