|
|
Cư dân chung cư Discovery căng băng rôn đòi lại quyền lợi của mình (Ảnh cư dân cung cấp)
|
Muốn bán điện trực tiếp đến từng hộ dân cũng chưa được
Theo thông tin phản ánh đến các cơ quan báo chí, từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021, Ban đại diện cư dân Discovery Complex đã có các văn bản kiến nghị cơ quan chức năng và Chủ đầu tư (CĐT) về phí dịch vụ quản lý vận hành và chấn chỉnh hoạt động quản lý vận hành tòa nhà.
Đến ngày 18/1, UBND phường Dịch Vọng đã tổ chức cuộc họp về công tác quản lý vận hành tòa nhà, phối hợp giải quyết các tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với tòa nhà Discovery Complex.
Theo Ban đại diện cư dân thì trong cuộc họp này đại diện CĐT cho biết vẫn đang trong quá trình hoàn thành nghiệm thu hệ thống PCCC toàn dự án.
Cụ thể, dự án Discovery Complex có hai tòa tháp là tháp A (tháp văn phòng) và tháp B (tháp căn hộ). Đối với tháp căn hộ, từ tháng 4/2018, công trình này đã thực hiện 5 lần kiểm tra công tác PCCC, lần kiểm tra cuối cùng đã có kết luận là công tác PCCC cơ bản đảm bảo, CĐT đang trình nghiệm thu giai đoạn 1.
Đối với tháp văn phòng, đã thực hiện hai lần kiểm tra công tác PCCC, CĐT đang bố trí lịch tiếp tục kiểm tra để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn về PCCC cho toàn bộ dự án.
Nói về việc cung cấp điện, CĐT cho biết các hộ gia đình đang đóng tiền điện theo giá điện sinh hoạt, phía CĐT đã đề xuất để cư dân dự án ký hợp đồng trực tiếp với công ty điện lực nhà nước.
Về phía Công ty Điện lực Cầu Giấy, đơn vị này mong muốn bán lẻ điện đến từng hộ dân dự án, tuy nhiên công ty không được ký hợp đồng cho các dự án chưa nghiệm thu PCCC.
Bên cạnh đó, hợp đồng của Tổng công ty Điện lực với CĐT đã hết thời hạn hơn một năm, song để đảm bảo điện sinh hoạt cho cư dân, công ty điện lực vẫn buộc phải cung cấp điện.
Trả lời một số cơ quan báo chí, đại diện cơ quan phòng cháy chữa cháy cho biết, từ năm 2017, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo ngừng cấp điện, nước đối với Discovery Complex khi dự án chưa nghiệm thu PCCC. Đến tháng 5/2018, công an thành phố cũng đã tham mưu xử phạt CĐT về vấn đề này.
Ban đại diện cho biết, kết luận tại buổi làm việc, UBND phường Dịch Vọng đã yêu cầu CĐT hoàn thành nghiệm thu tháp căn hộ trong quý I/2021. Bên cạnh đó, CĐT phải tiếp tục gia hạn việc cung cấp điện cho các căn hộ.
Qua tìm hiểu, trong các văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị được giảm tiền điện theo Nghị quyết của Chính phủ vào ngày 25/8 vừa qua, CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy cho biết, từ năm 2016 đến nay đã có 500 hộ dân đang sinh sống ổn định tài tòa nhà.
Công ty này đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND quận Cầu Giấy và các đơn vị liên quan tạo điều kiện giúp đỡ, giải quyết cho công ty được bàn giao trạm biến áp và hệ thống điện có liên quan cho Công ty Điện lực Cầu Giấy quản lý vận hành để ký hợp đồng bán điện trực tiếp cho các hộ dân trong tòa nhà.
Ban Đại diện cư dân thì khẳng định, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thành nghiệm thu PCCC. Dự án cũng chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư và bầu ban quản trị. Về chi phí bảo trì, CĐT cũng chưa bàn giao cho cư dân theo quy định.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Minh Nhật là người mua căn hộ và cũng là thành viên của ban đại diện cư dân cho hay, những ngày nay đồng loạt nhiều chủ căn hộ tiếp tục căng băng rôn phủ kín toàn nhà để đòi quyền lợi.
Những tấm băng rôn màu đỏ chủ yếu ghi nội dung “Chủ đầu tư 302 Cầu Giấy ăn chặn tiền điện Chính phủ hỗ trợ Covid-19, 302 Cầu Giấy, cầu cứu ký điện trực tiếp với EVN”.
Theo anh Nhật, mới đây chủ đầu tư ra thông báo về việc giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện phát sinh trong tháng 8 và tháng 9 năm 2021 cho khách hàng của tòa nhà sử dụng đến 200kW/tháng và 10 % cho khách hàng sử dụng trên 200kW/tháng. Tuy nhiên, điều kiện giảm tiền điện được chủ đầu tư áp dụng với những căn hộ đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán phí dịch vụ quản lý đến hết tháng 7/2021.
“Chủ đầu tư không tạo điều kiện cho cư dân ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị cung cấp điện, họ thu phí dịch vụ quá cao (12 nghìn đồng/m2) trong khi đó chất lượng không cao nên ít người đóng. Trong khi đó họ áp dụng giảm tiền điện đối với những hộ dân đã đóng đầy đủ. Theo quy định thì chủ đầu tư chưa đủ điều kiện để thu phí dịch vụ của chúng tôi”, anh Nhật thông tin.
|
|
Một số cư dân rằng chính quyền sử dụng ngôn từ có dụng ý ép cư dân phải đồng ý với các sai phạm của chủ đầu tư. (Ảnh cư dân cung cấp) |
Liệu có hợp thức hóa sai phạm?
Liên quan đến việc xin ý kiến cộng đồng cư dân và người có liên quan đối với Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp để bán và cho thuê tại tòa nhà Discovery Complex Ban đại diện cư dân cho hay, sau 06 ngày Phiếu xin ý kiến được gửi đến từng căn hộ, số lượng phiếu gửi lại không nhiều, trong khi, cộng đồng cư dân vẫn đang rất quan tâm và thảo luận các vấn đề bất cập của đợt xin ý kiến này.
Vì vậy, để đảm bảo kết quả xin ý kiến không chỉ phản ánh đầy đủ, chính xác nguyện vọng của cộng đồng cư dân như mục đích của nó mà còn góp phần giữ ổn định trật tự trị an tại địa phương, tránh các khiếu kiện đông người không đáng có.
Qua tổng hợp, Ban đại diện cư dân cho biết, phiếu xin ý kiến được đóng dấu treo của UBND phường và được Chi bộ, Tổ dân phố tổ chức phát cho từng căn hộ, khiến nhiều cư dân hoang mang, hiểu lầm, thậm chí bức xúc đặt câu hỏi tại sao chính quyền hợp thức hóa cho các sai phạm của chủ đầu tư. Nguyên nhân của vấn đề này là do thiếu văn bản thông báo của UBND phường về mục đích, lý do lấy ý kiến.
Phiếu xin ý kiến được thiết kế gồm 04 vấn đề nhưng gộp từng nhóm 02 vấn đề độc lập vào cùng một nội dung xin ý kiến Đồng ý/Không đồng ý, khiến cư dân khó lựa chọn, thậm chí, gây hiểu lầm cho một số cư dân rằng chính quyền sử dụng ngôn từ có dụng ý ép cư dân phải đồng ý với các sai phạm của chủ đầu tư, gây bất lợi cho cư dân, tước đi các quyền dân sự đã được thiết lập tại “Hợp đồng mua bán căn hộ” mà cư dân đương nhiên được hưởng, biến các quyền này thành điều kiện xử lý (cho tồn tại) các sai phạm của chủ đầu tư.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.
Nguyên Vũ