“Đất vàng” 216 Trần Duy Hưng nằm trong tay ai?
Theo tìm hiểu, dự án The Summit 216 có 35 tầng nổi, 4 tầng hầm (bao gồm 1 tầng lửng) với tổng diện tích dự án 2.373m2, diện tích xây dựng 1.186,5m2, mật độ xây dựng 50% với 288 căn hộ.
Trên nhiều website, khi giới thiệu về dự án chủ đầu tư không ngừng tung hô bằng những lời có cánh như: Dự án The Summit 216 được ví như “Trái tim của Thủ đô” nơi hội tụ năng lượng, vượng khí và tài lộc. Dự án chung cư 216 Trần Duy Hưng là tâm điểm, biểu tượng cảnh quan mới phía tây thủ đô Hà Nội - “trung tâm hành chính, chính trị” – nơi sở hữu hạ tầng hiện đại cũng như tiềm năng phát triển hàng đầu cả nước.
Tuy nhiên, điều mà nhiều khách hàng chưa tỏ tường đó là nguồn gốc của khu “đất vàng” trước khi xây dựng tòa chung cư được gọi xướng tên cao cấp này. Soi chiếu suốt quá trình từ ngày công ty đề xuất dự án (năm 2002) đến khi một phần khu đất (2.373m2) thành tòa Summit Building, chúng ta dễ dàng nhận thấy thấy hành trình thay đổi chóng mặt về các pháp nhân sử dụng cũng như nhà đầu tư xây dựng dự án.
|
|
Trên nhiều website, Dự án The Summit 216 được ví như “Trái tim của Thủ đô” nơi hội tụ năng lượng, vượng khí và tài lộc. |
|
|
Ngày 27/1/2003, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định 764/QĐ-UB cho Công ty Hoa Phượng Thăng Long thuê 4.741m2 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Mục đích là xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm. |
Theo tài liệu mà Thương hiệu và Pháp luật có được: Ngày 27/1/2003, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định 764/QĐ-UB cho Công ty Hoa Phượng Thăng Long thuê 4.741m2 tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Mục đích là xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm. Thời gian thuê đất là hình thức là thuê 45 năm kể từ ngày ký quyết định trên – tức đến năm 2048.
Quyết định trên cũng nêu rõ, đối với khu đất 4.741 m2 trên, có 2.438m2 đất do UBND quận Cầu Giấy quản lý; 38m2 đất là diện tích làm đường nội bộ thuộc khu di dân Tràng Hào do Ban quản lý dự án Thăng Long quản lý; 2.2265m2 đất do UBND phường Trung Hòa đang quản lý và một số hộ dân đang sử dụng.
Như vậy, phần lớn diện tích đất khu đất 4.741 m2 thuộc sự quản lý của Nhà nước (tức tài sản công) và đất của một số hộ dân đang sử dụng sẽ được UBND quận Cầu Giấy lập hội đồng giải phóng mặt bằng, tổ chức bồi thường thiệt hại cho người dân bị thu hồi.
Đến ngày 29/4/2003, ông Phạm Đức Thắng với vai trò là Giám đốc Công ty Hoa Phượng Thăng Long đã ký hợp đồng thuê đất với Sở Địa chính – Nhà đất (sau này là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội). Ngày 15/4/2004, UBND TP. Hà Nội đã cấp Giấy CNQSD đất số 00732 cho công ty này.
Vào ngày 27/5/2014, một pháp nhân mới ra đời được lấy tên là Công ty TNHH Hoa phượng Thăng Long Hà Nội và cũng có địa chỉ tại 216 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Thời điểm thành lập, Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội do ông Nguyễn Đại Dương (SN 1965, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội), một nhân vật nổi tiếng ở Hà Nội thời điểm đó làm giám đốc.
Ngày 24/09/2014, Công ty Hoa Phượng Thăng Long đã chuyển nhượng một phần dự án cho Công ty Hoa phượng Thăng Long Hà Nội. Hợp đồng chuyển nhượng được lập tại Văn phòng Công chứng Nguyễn Tú, số công chứng 34/2014/CNDA. Đây cũng là lý do để UBND TP. Hà Nội thu hồi 2.373m2 đất do Công ty Hoa Phượng Thăng Long đang quản lý cho Công ty Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội thuê. Mục đích sử dụng là tiếp tục thực hiện một phần Dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm. Thời hạn sử sụng đất đến ngày 27/01/2048. Hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm.
Có thể thấy, dự án đã kéo dài 10 năm và thửa đất “vàng” gần 5000m2 đã bị chia hai xẻ nửa nhưng mục tiêu của dự án vẫn không thay đổi. Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội được Hà Nội cho thuê đất là để tiếp tục thực hiện một phần dự án xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm chứ không phải làm dự án mới.
“Đất vàng” xây nhà ở thương mại không thông qua đấu giá?
Tuy nhiên, bằng cách nào đó khu đất này lại chuyển mục tiêu thành xây dựng tòa nhà chung cư thương mại để bán - tòa nhà Summit Building như thời điểm hiện tại?
Ngày 3/1/2017, UBND TP có quyết định 01/QĐ-UBND (do phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng nay đã nghỉ hưu ký) quyết định chủ trương đầu tư dự án “Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại – Summit Building” tại thửa B (diện tích 2373m2) khu đất 216 Trần Duy Hưng.
Điều đáng nói, chủ đầu tư dự án là liên danh Công ty Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội (với sự xuất hiện của người đại diện pháp luật công ty là ông Phạm Hoành Sơn, thay cho ông Nguyễn Đại Dương từ ngày 21/10/2015) và Công ty TNHH Thương mại Đầu tư bất động sản 216 (đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Hồng Nga).
Như vậy, sau gần 3 năm được cho thuê đất nhưng không đầu tư xây dựng theo mục tiêu là thực hiện một phần Dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm, Công ty Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội lại được chấp thuận hợp tác cùng một nhà đầu tư tư nhân khác, để đầu tư xây dựng chung cư thương mại.
Ngày 15/2/2017, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành quyết định về việc, cho phép Công ty Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội chuyển đổi mục đích sử dụng 2.373m2 đất để dựng dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại – Summit Building.
|
|
Ngày 15/2/2017, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành quyết định về việc, cho phép Công ty Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội chuyển đổi mục đích sử dụng 2.373m2 đất để dựng dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại – Summit Building. |
|
|
PV đã liên hệ trực tiếp và gửi nội dung làm việc tới chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Veracity (Veracity). Tuy nhiên, gần một tháng trôi qua PV không nhận được phản hồi từ phía chủ đầu tư |
Đến đây, khu đất 2.373m2 với mục tiêu ban đầu là thực hiện một phần Dự án đầu tư xây dựng văn phòng làm việc và trung tâm giới thiệu sản phẩm đã chính thức bị “khai tử” và thay vào đó là xây dựng tòa nhà ở thương mại để bán cao 35 tầng. Và như vậy, nhà đầu tư được giao 2.373m2 đất để thực hiện dự án Summit Building không thông qua hình thức đấu giá?
Tháng 2/2019, dù công trình đã xây xong phần hầm và phần thô, liên danh nhà đầu tư tòa nhà Summit Building đã đề nghị thành phố cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty Cổ phần Veracity (trong hệ sinh thái của một nhóm cổ đông và sẽ được phân tích kỹ ở những bài sau) do bà Trịnh Thị Hà là người đại diện theo pháp luật.
Đề nghị này sau đó cũng nhanh chóng được thành phố chấp thuận theo quyết định ban hành ngày 21/8/2019, do ông Nguyễn Thế Hùng ký. Từ đây, Công ty Cổ phần Veracity chính thức “thâu tóm” khu đất vàng 2.373m2 cùng tòa nhà thương mại để bán cao 35 tầng đã xây thô.
Cũng theo tính toán của PV, chỉ tính riêng từ tầng 4-35 tòa nhà Summit Building bố trí căn hộ và phụ trợ với tổng số 288 căn, thì tổng diện tích sàn sử dụng các căn hộ (sàn kinh doanh căn hộ) là 30.534,4m2. Theo quảng cáo, giá bán thấp nhất từ 55 triệu đồng/m2, nếu vậy con số chủ đầu tư thu về đã hơn 1.679 tỷ đồng.
Có thể thấy sau hơn 10 năm, mục tiêu sử dụng đất ban đầu của dự án đã hoàn toàn thay đổi. Chưa nói đến các quy định về đầu tư, tiến độ triển khai dự án, việc chuyển mục đích giao đất không qua đấu giá trong trường hợp này khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Bên cạnh đó, theo quy định của Điều 118 Luật Đất đai 2013, dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua thì nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
Với mong muốn có thông tin khách quan, chính thống về dự án The Summit 216, ngày 28/04/2021 PV đã liên hệ trực tiếp và gửi nội dung làm việc tới chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Veracity (Veracity). Tuy nhiên, gần một tháng trôi qua PV đều không nhận được phản hồi từ phía chủ đầu tư. Thậm chí, nhiều lần liên hệ lại với nhân viên Công ty, PV chỉ nhận được những câu trả lời như: “Lãnh đạo bên chị đi vắng. Việc này, chị đã báo cáo lãnh đạo nhưng chưa thấy lãnh đạo phản hồi”…
Huyền Chi