Công ty Cổ phần Thiết bị Giáo dục Hải Hà (Công ty Hải Hà) thành lập vào ngày 5/10/2000 tại Hà Nội với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng, do ông Phạm Anh Vỹ làm Giám đốc.

Được biết, ngành nghề kinh doanh chính là cung ứng các sản phẩm công nghệ thông tin, thiết bị dạy học ngoại ngữ, tích hợp hệ thống tư vấn và cung cấp giải pháp mạng Multimedia, mạng LAN, mạng diện rộng, mạng internet… Sản xuất và buôn bán thiết bị giáo dục, thiết bị thí nghiệm chuyên dùng trong phòng thí nghiệm cho các trường THCS, THPT, Cao đẳng, Trung tâm dạy nghề và Đại học.

Những năm gần đây, Công ty Hải Hà lại bất ngờ trở thành nhà thầu "quen mặt", trúng thầu 61 gói thầu tại khắp các địa phương như Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Nghệ An, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Phú Thọ ... với điệp khúc trúng thầu sát giá và đấu đâu trúng đó.

Tuy nhiên, điều “lạ” là hàng loạt gói thầu “khủng” do Công ty Hải Hà trúng thầu ở các Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương trúng rất sát giá, tỷ lệ tiết kiệm giảm giá rất “nhỏ giọt” thậm chí có gói thầu “bạc tỷ” nhưng lại không tiết kiệm được cho ngân sách đồng nào.

leftcenterrightdel
 Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục Hải Hà.

Đơn cử, tại Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, từ tháng 11/2014 đến nay, Công ty Hải Hà được công bố tham gia 11 gói thầu do Sở này mời thầu, trong đó trúng tới 10 gói thầu với tổng trị giá khoảng 130 tỷ đồng.

Theo đó, ngày 10/11/2020, ông Phạm Khương Duy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã ký lựa chọn liên danh nhà thầu Công ty Hải Hà và Công ty CP điện tự động hóa Bình Dương trúng gói thầu: Mua sắm, lắp đặt phòng bộ môn tin học cho các trường tiểu học trong tỉnh với tổng giá trị 30 tỷ 945 triệu (gói Tiểu học).

Cùng ngày 10/11/2020, ông Phạm Khương Duy đã ký ban hành Quyết định 1308/QĐ-SGDĐT lựa chọn Công ty Hải Hà trúng thầu gói thầu: Mua sắm, lắp đặt phòng bộ môn tin học cho các trường THCS trên địa bàn tỉnh với giá 41 tỷ 694 triệu đồng (gói THCS).

Đây là gói thầu có giá trị lớn từ nguồn ngân sách nhà nước cho giáo dục và được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước. Tuy nhiên đến thời điểm mở thầu, chỉ có duy nhất Công ty CP Thiết bị giáo dục Hải Hà tham gia nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu.

Như vậy, chỉ trong ngày 10/11/2020, Công ty Hải Hà đã “ôm” hai gói thầu tổng giá trị hơn 72 tỷ do Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư. Đáng lưu ý, cả hai gói thầu trên đều do Công ty CP Tư vấn & Đầu tư TMT làm công tác tư vấn đấu thầu, thẩm định việc lựa chọn nhà thầu.

Điều khác thường, dù cùng thời điểm mở thầu, cùng cấu hình điều hành, cùng đặc điểm kỹ thuật, xuất xứ theo như mô tả tại Bảng giá của Hợp đồng kinh tế số 0211 (gói Tiểu học) và Hợp đồng số 0311 (gói THCS) cùng ngày 16/11/2020 của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc; nhưng giá thiết bị tại hai gói thầu lại khác nhau hoàn toàn.

leftcenterrightdel
Công ty Hải Hà trúng tới 10 gói thầu với tổng trị giá khoảng 130 tỷ đồng tại Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. 

Công ty Hải Hà cũng tham gia 8 gói thầu do Sở GD&ĐT Cao Bằng mời thầu, trong đó đã trúng thầu 7 gói với tổng giá trị lên tới khoảng 70 tỷ đồng.

Cụ thể, tại dự án "Mua sắm bổ sung thiết bị phòng tin học các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường THPT năm 2018-2019", Công ty Hải Hà trúng với giá 6 tỷ 296 triệu - đúng bằng giá mời thầu, không tiết kiệm được cho ngân sách đồng nào.

Tại gói "Mua sắm bổ sung thiết bị đồ dùng nhà ăn, nhà bếp khu nội trú học sinh cho các trường TH, THCS năm 2019" kí ngày 31/1/2020 với giá hơn 10 tỷ 440 triệu đồng, Công ty Hải Hà trúng cũng có tỉ lệ tiết kiệm là 0 đồng.

Hay tại gói "Mua sắm thiết bị phòng học bộ môn cho các trường THPT năm 2019" do ông vũ Văn Dương - Giám đốc Sở GD&ĐT Cao Bằng kí ngày 6/6/2019, Công ty Hải Hà trúng với giá hơn 2 tỷ 132 triệu đồng - đúng bằng giá mời thầu.

Công ty Hải Hà cũng là một nhà thầu “quen mặt” của Sở GD&ĐT Nghệ An. Thời gian gần đây, Công ty này tham gia 7 gói thầu do Sở GD&ĐT Nghệ An mời thầu, trong đó đã trúng thầu 6 gói, 1 gói chưa có kết quả.

Điển hình, ngày 29/4/2021, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An lựa chọn Công ty Hải Hà trúng gói thầu “mua sắm thiết bị phòng học bộ môn tại các trường phổ thông công lập năm 2021” với giá 6 tỷ 223 triệu đồng. Trong khi đó giá gói thầu này là 6 tỷ 258 triệu đồng, như vậy chỉ tiết kiệm được 35 triệu đồng qua đấu thầu.

Trước đó, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng chọn Công ty Hải Hà trúng gói thầu “mua sắm thiết bị phòng học ngoại ngữ năm 2020 cho 85 trường Tiểu học, 56 trường THCS và THPT tại các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa và thị xã Hoàng Mai tỉnh Nghệ An” với giá trúng thầu 27 tỷ 760 triệu đồng, chỉ giảm giá được 78 triệu đồng so với giá gói thầu.

Đặc biệt, Công ty Hải Hà được thông báo trúng 4 gói thầu tại Sở GD&ĐT Hà Giang với tổng trị giá khoảng 80 tỷ đồng nhưng có gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm “siêu thấp”, thậm chí tiết kiệm 0 đồng.

Điển hình, tại gói thầu “Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng cho các trường học…” do Sở GD&ĐT Hà Giang mời thầu với giá 5 tỷ 727.678.000 đồng, thì Công ty Hải Hà trúng thầu đúng với giá gói thầu, tỷ lệ tiết kiệm, giảm giá là 0 đồng.

Hay như tại gói thầu “mua sắm thiết bị phục vụ học tập năm 2020” tại tỉnh Cao Bằng có giá 4 tỷ 622 triệu đồng, Công ty Hải Hà trúng thầu với giá 4 tỷ 621 triệu đồng, tiết kiệm được vẻn vẹn 190 nghìn đồng so với giá gói thầu.

Trường hợp khác, gói thầu “mua sắm thiết bị dạy học, sách cho các trường phổ thông” do Sở GD&ĐT Phú Thọ mời thầu có giá  17 tỷ 927 triệu đồng, Công ty Hải Hà (cùng 2 doanh nghiệp liên danh) trúng thầu với giá 17 tỷ 882 triệu đồng, chỉ giảm giá được 45 triệu đồng cho ngân sách...

Ngoài ra, Công ty Hải Hà cũng liên tục trúng các gói thầu tại Sở GD&ĐT Hải Phòng, Yên Bái, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ…

Mục đích của việc mua sắm tập trung tài sản nhà nước thông qua đấu thầu là để tiết kiệm tiền cho ngân sách nhà nước, nhưng các Sở GD&ĐT tại các địa phương nêu trên tổ chức đấu thầu và lựa chọn Công ty Hải Hà trúng những gói thầu với điệp khúc trúng thầu sát giá khiến dư luận không khỏi hoài nghi về tính minh bạch và hiệu quả trong công tác đấu thầu.

Ngoài ra, một số gói thầu do Công ty Hải Hà trúng có dấu hiệu bất thường trong giá thiết bị, nhiều sản phẩm trúng thầu có giá cao hơn thực tế thị trường trong khi tỷ lệ tiết kiệm của gói thầu lại rất thấp? Vậy, có hay không việc móc ngoặc, bắt tay nâng khống giá các thiết bị trong gói thầu nhằm trục lợi từ ngân sách nhà nước?

Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Mới đây, ngày 28/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh do để xảy ra vi phạm pháp luật trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư giai đoạn này.

Ngày 23/9, Cơ quan cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an khởi tố vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 222 Bộ luật Hình sự, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Điện Biên và các công ty liên quan.

Trước đó, ngày 16/7, C03 cũng đã tiến hành khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa.

Nhóm PV


Nguồn Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp
Link bài gốc

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/lien-tiep-trung-thau-sat-gia-cong-ty-co-phan-thiet-bi-giao-duc-hai-ha-la-don-vi-quen-cua-nhung-tinh-nao-d24455.html