|
|
Cầu Khe Chai (xã Đông Sơn, huyện A Lưới) bị hư hỏng nặng nề sau chưa đầy 1 năm đưa vào sử dụng. Ảnh: P. Đạt. |
Cụ thể, cầu Khe Chai (tại xã Đông Sơn), cầu A So 1 (tại xã Lâm Đớt) thuộc Dự án thành phần 2, tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH:02-DAĐT) thuộc hợp phần cầu - Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư.
Theo quyết định phê duyệt, các cây cầu nêu trên thuộc loại công trình giao thông cấp IV và có thời hạn sử dụng là 50 năm.
Tháng 6.2019, các công trình này đã được bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến năm 2020, tại các cây cầu này đã xuất hiện hư hỏng nặng nề.
|
|
Mố cầu Khe Chai hư hỏng nặng. Ảnh: P. Đạt. |
Có mặt tại hiện trường, phóng viên ghi nhận 2 cây cầu trên bị hư hỏng nặng. Cụ thể ở cầu Khe Chai thì mố cầu 2 bên đã bị sụt và nước cuốn trôi gần như hoàn toàn; một bên mố cầu A So 1 cũng bị nước xói và cuốn trôi đất đá gia cố.
Trao đổi với Lao Động, ông Hồ Văn Tôi - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, năm 2020, ngay sau khi phát hiện hư hỏng tại cầu Khe Chai, địa phương đã báo cáo với các cơ quan chức năng. Cùng với đó, UBND xã Đông Sơn đã phải cắt cử lực lượng túc trực thường xuyên tại điểm cầu này này nhắc nhở và đảm bảo an toàn cho người dân khi đi lại qua đây.
|
|
Không chỉ 2 bên mố cầu, các hạng mục khác trên cầu Khe Chai cũng đã hư hỏng, xuống cấp và lí do được đơn vị thi công đưa ra là do xe chở keo tràm của người dân di chuyển gây nên. Ảnh: P. Đạt. |
"Đây là con đường chính đi vào trung tâm xã, vì vậy, khi cây cầu Khe Chai bị hư hỏng người dân địa phương gặp nhiều bất tiện trong việc đi lại. Dù đến thời điểm này chưa có bất kỳ tai nạn đáng tiếc nào về người xảy ra liên quan đến hư hỏng của cầu nhưng khi hai bên mố cầu chưa được sửa chữa xong thì vào những ngày mưa lớn, học sinh và người dân đi qua đây luôn phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn giao thông", ông Hồ Văn Tôi nói.
Ông Lê Hồng Hùng - Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt thông tin, cầu A So 1 nằm trên tuyến đường duy nhất của người dân để đến vùng rừng sản xuất rộng khoảng 50 hecta. Vì vậy, khi cây cầu này xuất hiện những hư hỏng, người dân cũng phải đối mặt với nhiều bất tiện, nguy hiểm trong quá trình đi lại.
|
|
Mố cầu A So 1 (xã Lâm Đớt) cũng bị hư hỏng nặng. Ảnh: P. Đạt. |
Trao đổi với Lao Động, ông Đoàn Anh Hải - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Giao thông Thừa Thiên Huế (đại diện đơn vị thi công) cho hay, lý do cho việc hư hỏng trên là do các đợt mưa lũ diễn ra vào năm 2020 khiến cả 2 mố cầu của cầu Khe Chai bị cuốn trôi.
Theo ông Đoàn Anh Hải, mưa lụt diễn ra trong năm 2020 cũng là nguyên nhân khiến một bên mố của cầu A So 1 bị nước cuốn gây rỗng phần thân và một phần bê tông cốt thép gia cố phía chân của mố này cũng đã bị vỡ.
Điều đáng nói, theo tìm hiểu, cầu Khe Chai có tổng vốn xây dựng hơn 2,3 tỉ đồng, sau khi đưa vào sử dụng một thời gian bị hư hỏng nặng. Hiện tại, lại có thêm một gói thầu khác để khắc phục sửa chữa khoảng 1,2 tỉ đồng do một công ty khác trên địa bàn huyện A Lưới tiến hành sửa chữa cho cầu Khe Chai.