Cán bộ phường tổ chức tiêm vắc xin thu tiền trái phép
Lợi dụng tâm lý của một số người dân muốn được tiêm vắc xin sớm trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã bày ra đủ trò lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Điển hình, cuối tháng 9/2021, Nguyễn Thị Thủy Tiên (SN 1999, trú tại Quảng Trị) bịa đặt bản thân có người quen làm trong ngành công an, quân đội được ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19, cần bán lại suất tiêm với giá 4-5 triệu đồng, qua đó, chiếm đoạt 100 triệu đồng của 20 bị hại.
Không chỉ mất tiền để “mua suất” tiêm vắc xin, nhiều nạn nhân ở Bình Định còn bị lừa tiêm vắc xin giả. Cụ thể, năm 2019, Tiêu Thị Tuyết Sương (SN 1974, trú tại Bình Định) tự nhận là nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng và lừa tiêm vắc xin giả cho 34 người (22 trẻ em), chiếm đoạt 63 triệu đồng. Cuối năm 2020, Sương bị TAND TP. Quy Nhơn (Bình Định) tuyên phạt 4 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài các vụ lừa đảo tiêm vắc xin nêu trên, lực lượng công an còn khám phá một số vụ lợi dụng việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở một số địa phương để hưởng lợi trái pháp luật. Đơn cử, ngày 7/9, Công an quận 6, TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trương Mạnh Thảo (SN 1984, cán bộ UBND phường 2, quận 6) để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cơ quan công an, Trương Mạnh Thảo đã móc nối, làm hồ sơ và tổ chức cho gần 20 trường hợp không cư trú trên địa bàn phường 2 đến tiêm tại các điểm tiêm chủng, thu lợi hơn 10 triệu đồng.
Buôn lậu, sản xuất thuốc điều trị COVID-19 giả
Ngày 8/11, Cục Hải quan TPHCM cho biết đang phối hợp với Tổng cục Hải quan, Công an điều tra, truy xét các đối tượng liên quan đến đường dây buôn lậu tân dược hỗ trợ điều trị COVID-19 từ Nga về Việt Nam.
Trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng hải quan phát hiện hai kiện hàng nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh từ Nga về theo loại hình biếu, tặng, có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành xác minh.
Hai kiện hàng này được gửi trên chuyến bay thẳng từ Nga về sân bay Nội Bài, sau đó nối chuyến vào sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, điện thoại ghi trên đơn hàng bị dư một số, địa chỉ cũng được xác định là không có thật. Nhận thấy dấu hiệu khả nghi, lực lượng Hải quan quyết định mở hai kiện hàng để kiểm tra thực tế thì phát hiện 266 hộp thuốc các loại (hơn 3.000 viên) nhập lậu, được sử dụng trong điều trị và hỗ trợ điều trị COVID-19. Số thuốc nêu trên được các đối tượng cất giấu lẫn trong đồ dùng cá nhân, như quần áo, bánh kẹo nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Không chỉ buôn lậu, nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu mua các loại thuốc phòng chống COVID-19 của người dân để tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc giả với quy mô lớn. Trong tháng 8-9/2021, lực lượng Công an TPHCM liên tục phát hiện, triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán tân dược và các loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 giả, thu giữ hàng chục nghìn viên thuốc, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan để điều tra.
Đặc biệt, đường dây do Nguyễn Đức Thuận (46 tuổi, thường trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cầm đầu còn sử dụng nhà vệ sinh cáu bẩn để làm nơi sản xuất, cất giấu thuốc điều trị COVID-19 giả trước khi tung ra thị trường. Theo đó, Thuận lên mạng tìm kiếm thông tin về các loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, rồi tự mua các loại nguyên liệu, dụng cụ sản xuất thuốc giả về sản xuất, đóng gói để bán ra thị trường kiếm lời.
Khám xét khẩn cấp tại 3 địa điểm là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán tân dược giả do Thuận quản lý, công an tạm giữ số lượng lớn nguyên liệu làm thuốc giả, hơn 630.000 viên tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất.
Tăng cường đấu tranh
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, xuất phát từ nhu cầu về sử dụng các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh liên quan hô hấp, đặc biệt là hỗ trợ phòng ngừa, chữa trị bệnh COVID-19 tăng cao, các đối tượng sẽ tiếp tục lợi dụng để thu lợi bất chính.
Vì vậy, Công an TPHCM đã tăng cường lực lượng, phối hợp với lực lượng chức năng rà soát, nắm bắt địa bàn, để có những biện pháp kiểm soát phòng ngừa hiệu quả, đặc biệt là những hành vi trục lợi thông qua việc cung cấp, phân phối, tiêm vắc xin COVID-19, buôn bán vật tư y tế thiết bị phòng chống dịch trái phép…
“Từ nay đến cuối năm dự kiến lượng hàng hóa chuyển phát nhanh từ các nước về sẽ tăng, đặc biệt là hàng gửi theo hình thức quà biếu. Do đó, lực lượng Hải quan sẽ xác định các tuyến trọng điểm cũng như khai thác tối đa nguồn tin nghiệp vụ để đấu tranh, phòng chống buôn lậu, nhất là ma túy và thuốc điều trị COVID-19”, ông Bùi Thanh Hùng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh, Cục Hải quan TPHCM, cho biết.