Khi các vụ việc trên chưa tạm lắng, đầu tháng 11/2021, Tòa soạn Thương hiệu & Pháp luật nhận được phản ánh về việc có dấu hiệu gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế,… xảy ra tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Chuỗi sự việc này tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.

Theo thông tin ban đầu, hàng năm Bệnh viện Mắt Trung ương phải mua các gói thầu hóa chất - vật tư tiêu hao phục vụ công tác điều trị. Trong đó, thủy tinh thể nhân tạo là nhóm hàng mua thường xuyên, giá trị mặt hàng cao. Bệnh viện thường phải chi từ 180 đến 200 tỷ đồng mỗi năm cho việc mua sắm mặt hàng này. Việc đấu thầu gói thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo tại bệnh viện có những dấu hiệu mập mờ, không minh bạch. Tiêu biểu như trong nhiều hồ sơ mời thầu, với tư cách là bên mời thầu, bệnh viện đã định sẵn các tiêu chí như: thiết kế càng, chiều dài tổng thể L, hệ số chiết xuất, độ sâu tiền phòng, hằng số A, công nghệ sản xuất,…

Đây là những “tiêu chí” không nhiều nhà thầu có thể đáp ứng. Thực chất, đây chính là cách thức cài cắm tiêu chí “trên trời”; qua đó cố tình xác định, chỉ nhà thầu đã được “nhắm” sẵn mới có thể đáp ứng. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà thầu và khiến tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu trở nên rất thấp.

leftcenterrightdel
 

Ngoài ra, những tiêu chí khác trong các gói thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo cũng có sự “trùng khớp một cách rất ngẫu nhiên” với thông tin sẵn có của nhà thầu quen, tạo lợi thế và có tính định hướng cho nhà thầu trúng thầu, hạn chế rất nhiều nhà thầu tham gia.

Điều đó lý giải việc tại sao trong nhiều năm qua, Bệnh viện Mắt Trung ương luôn mời được nhà thầu là những doanh nghiệp “quen mặt”. Có thể kể đến Công ty TNHH Thương mại Bách Quang (từ năm 2017 đến năm 2020 trúng thầu nhiều gói thầu, với tổng giá trị lên tới 150,7 tỷ đồng); Công ty TNHH Thiết bị y tế Thành Công (tháng 4/2017, Bệnh viện Mắt Trung ương công bố kết quả lựa chọn nhà thầu của 07 gói thầu lớn, có giá trị hơn 383,6 tỷ đồng, thì Công ty Thành Công đã trúng 5/7 gói thầu)…

Đặc biệt, trong năm 2017, Bệnh viện Mắt Trung ương mời thầu 03 gói thầu mua thủy tinh thể nhân tạo, có 05 mặt hàng có hợp đồng cung cấp cho bệnh viện, nhưng không lấy theo giá hợp đồng mà lấy theo giá cao hơn giá hợp đồng. Điều này, rất cần phải có sự kiểm tra, giám sát và vào cuộc của các cơ quan chức năng, để làm rõ đúng sai và giám sát chặt chẽ các hoạt động mua sắm công.

Trong năm 2018, Bệnh viện mua 3.500 thủy tinh thể nhân tạo có model CT Lucia 201P do Công ty Gia Minh cung cấp với giá 12,250 tỷ đồng. Điều đáng nói, sản phẩm CT Lucia 201P tại Bệnh viện Mắt TP.HCM mua với giá 3,4 triệu đồng/cái vừa được Bộ Công an xác định có sai phạm. Trong khi đó, Bệnh viện Mắt Trung ương phải mua với giá 3,5 triệu đồng/cái.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 54/QĐ-VPCQCSĐT ngày 28/10/2020. Vậy nhưng, với trường hợp tương tự này tại Bệnh viện Mắt Trung ương, thì sự việc lại chưa được xem xét, điều tra.

Không chỉ có dấu hiệu không minh bạch trong các gói thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo, các nguồn tin phản ảnh còn cho rằng, tại 02 hợp đồng mua sắm máy phẫu thuật cận thị bằng Laser Excimer mà Bệnh viện ký năm 2018 cũng rất “có vấn đề”.

Giá mua loại máy Amaris của hãng Schwind - Đức ở các bệnh viện khác có giá khoảng 10 tỷ đồng/01 máy. Vậy nhưng, với cùng loại máy này, cùng đời và cùng seri máy, giá mà Bệnh viện Mắt Trung ương ký hợp đồng liên doanh, liên kết mua máy Amaris đã “đội giá” lên gấp đôi, với giá trị là khoảng 20 tỷ đồng/01 máy.

“Có vấn đề” hơn nữa, khi vừa mua 02 máy phẫu thuật cận thị bằng Laser Excimer được một năm, đến ngày 01/10/2019, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương - ông Nguyễn Xuân Hiệp - tiếp tục ký kết 01 hợp đồng bảo trì máy Amaris với Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Việt Can với giá trị hợp đồng lên tới hơn 3,5 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là, tại sao máy mới mua về được 01 năm đã phải nhanh chóng bảo dưỡng với số tiền lớn như vậy? Phải chăng đây là cách thức để rút ruột ngân sách nhà nước một cách “hợp lệ”? Bệnh viện Mắt Trung ương đã bỏ ra số tiền lớn nhưng lại mua phải máy móc kém chất lượng hay sao? Nếu như vậy thì không những gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, làm giảm sút uy tín ban lãnh đạo bệnh viện, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người bệnh.

Với những dấu hiệu của hàng loạt sai phạm nêu trên, Thương hiệu & Pháp luật đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc thanh, kiểm tra toàn diện việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Mắt Trung ương trong những năm gần đây, để làm rõ những dấu hiệu sai phạm trong đấu thầu và trong các lĩnh vực khác liên quan đến mua sắm công.

Cần thấy rằng, gian lận thầu, nâng khống giá thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân trong tất cả các khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định, kiểm tra, giám sát thầu,… Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét kỹ càng các khâu, cần vào cuộc xử lý nghiêm minh hơn nữa các hành vi vi phạm; đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, nỗ lực bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin nội dung này đến bạn đọc.

Mạnh Nghiệp

Nguồn Thương hiệu và pháp luật
Link bài gốc

https://thuonghieuvaphapluat.vn/nhung-dau-hieu-sai-pham-trong-dau-thau-tai-benh-vien-mat-trung-uong-d48516.html