|
|
Các bãi tập kết than kéo dài hơn 3km dọc đê sông Đáy gây ô nhiễm cho hơn 1.500 hộ dân (xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, Ninh Bình). Ảnh: NT |
Hơn 1.500 hộ dân bị tra tấn bởi bụi than
Từ nhiều năm nay, người dân tại xã Khánh Phú phải ngày đêm sống chung với ô nhiễm từ bụi than tại các cảng, bến bãi tập kết nằm phía ngoài đê sông Đáy (thuộc địa bàn xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, Ninh Bình).
|
|
Những bãi than được chất thành núi cao và không có mái che. Ảnh: NT |
Theo ghi nhận của PV, khu vực ngoài đê sông Đáy có 7 cảng than. Than, được các tàu vận tải cỡ lớn chở về đây, sau đó được tập kết thành những đống than cao như núi ở cảng, rồi được bốc lên xe ô tô vận chuyển đi tiêu thụ. Các bãi tập kết than này nằm cách khu dân cư chưa đầy 50m, phía ngoài đê là các bãi than, trong đê là khu dân cư. Những bãi than được chất đống cao hơn mặt đê từ 2 đến 5m, hầu hết các bãi than đều không có mái che.
Ông Nguyễn Văn Trọng, người dân thôn Phú Hào (huyện Yên Khánh) bức xúc: Nhiều năm qua, người dân chúng tôi quá khổ vì bị ảnh hưởng từ các bãi than nằm phía ngoài đê sông Đáy. Nắng thì gió từ sông thổi vào khiến bụi than bay mù mịt, mưa thì nước than đen kịt chảy lênh láng khắp đường. Hàng ngày có hàng đoàn xe vận chuyển than nối đuôi nhau chạy, nhiều xe không được che chắn cẩn thận gây rơi vãi, khiến bụi bay mù mịt.
Trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo UBND xã Khánh Phú cũng xác nhận việc các bãi than nằm phía ngoài đê sông Đáy gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 1.500 hộ dân thôn Phú Hào.
|
|
Qua kiểm tra cho thấy hầu hết các bãi tập kết than này đều vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Ảnh: NT |
Theo đại diện lãnh đạo UBND xã Khánh Phú, tổng chiều dài của đê sông Đáy qua địa bàn xã là 6km trong đó có 7 công ty đang hoạt động kinh doanh than phía ngoài đê chiếm khoảng 3km. Trong quá trình hoạt động, các công ty trên đã tiến hành bốc xếp, tập kết than thành những đống cao hơn 2/3 mặt đê và không có mái che nên bụi than bay vào khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
Nhiều bất cập trong xử lý
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi tập kết than, người dân và chính quyền địa phương ở đây đã nhiều lần kiến nghị với các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm trên. Tuy nhiên, suốt từ năm 2019 đến nay, vẫn chưa được xử lý.
Theo kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành (ngày 10.8), do Sở TNMT tỉnh Ninh Bình chủ trì cho thấy, hầu hết các cảng than này đều được các ngành chức năng cấp phép xây dựng và hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hầu hết các cảng than này đều vi phạm về hoạt động cảng thủy nội địa và bảo vệ môi trường.
|
|
Công ty TNHH Cảng xuất nhập khẩu hàng hóa Tiến Mạnh, một trong những đơn vị đã nhiều lần bị xử phạt vì gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Ảnh: NT |
Cụ thể: Tại Chi nhánh Công ty cổ phần Kinh doanh than Miền Bắc VINACOMIN - Công ty Kinh doanh than Ninh Bình, qua kiểm tra cho thấy, trong quá trình hoạt động, công ty đã xây dựng một số hạng mục công trình không có trong Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định cho phép xây dựng của UBND tỉnh Ninh Bình. Quá trình hoạt động, chưa nghiêm chỉnh thực hiện chế độ lập, gửi báo cáo về tình hình thực hiện và hoạt động của dự án theo quy định. Không thực hiện một trong các nội dung Báo cáo ĐTM: Không có biện pháp giảm thiểu bụi tại máng rót hàng rời, không xây dựng hệ thống rửa bánh lốp xe...
Còn tại Công ty TNHH Cảng xuất nhập khẩu hàng hóa Tiến Mạnh, xây dựng các hạng mục công trình khi chưa có Quyết định cấp phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền. Quá trình hoạt động, Công ty chưa nghiêm chỉnh thực hiện chế độ lập, gửi báo cáo về tình hình thực hiện và hoạt động của dự án. Không xây dựng một số hạng mục công trình bảo vệ môi trường như đã cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Kết quả phân tích nước thải tại hố gom vượt giới hạn quy chuẩn kỹ thuật môi trường Việt Nam cho phép...
Kết luận của Đoàn kiểm kiểm tra cho thấy hầu hết các cảng than trên đều vi phạm quy định về xây dựng, bảo vệ môi trường. Thậm chí nhiều cảng than đã từng bị thanh tra, kiểm tra từ nhiều năm trước và đã bị xử phạt nhiều lẫn, yêu cầu khắc phục nhưng đến nay các đơn vị này vẫn không chấp hành.
Theo đại diện lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Ninh Bình, việc xử lý vi phạm tại các cảng than này còn tồn tại nhiều bất cập. Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp phép xây dựng, cấp phép hoạt động, cho thuê đất... do nhiều đơn vị tham gia nên việc quản lý và xử lý vi phạm còn khó khăn.
|
|
Các bãi tập kết than này chỉ nằm cách khu dân cư chưa đầy 50m. Ảnh: NT |
"Hầu các cảng này đều được cấp phép nhưng lại không có đường chuyên dụng để các phương tiện vận tải ra vào, trong khi đó quy định tải trọng trên đê chỉ giới hạn tải trọng tối đa 10 tấn. Chính vì vậy mà các xe tải ra vào cảng phải chạy qua các tuyến đường trong Khu công nghiệp, khu dân cư đây cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, các biện pháp khắc phục chưa được giám sát, thực hiện triệt để" - đại diện lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Ninh Bình cho biết.