Theo thông tin phản ánh, phóng viên đã về thôn Hòa Lâm, xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa tìm hiểu. Các điểm khai thác đất trái phép ở đây chỉ cách Quốc lộ 1A vài trăm mét. Mặc dù ban ngày nhưng những chiếc xe trọng tải lớn vẫn ngang nhiên ra vào vận chuyển đất từ khu vực ven núi đưa ra ngoài tiêu thụ mà không bị cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.
|
|
Đoạn đường vào khu vực khai thác đất trái phép bị xe tải trọng lớn cày nát |
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc khai thác đất ở đây đã diễn ra đã lâu. Người dân nơi đây cứ nghĩ khu vực khai thác này có giấy phép mỏ do điểm khai thác lậu và mỏ quặng của nhà máy xi măng Nghi Sơn sát nhau. Lợi dụng việc này, các cá nhân, doanh nghiệp đã tổ chức đưa máy múc về phá núi đào đất, đem bán vô tội vạ.
"Việc khai thác đất đã diễn ra trong thời gian dài, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản; Đoàn xe trọng tải lớn đi lại phá nát đường sá, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... nhưng không cơ quan chức năng nào thanh kiểm tra, xử lý khiến người dân nơi đây rất bức xúc", một người dân sinh sống tại thôn Hòa Lâm cho biết.
|
|
Hàng nghìn mét khối đất được vận chuyển ra bãi trung chuyển không phép tại thôn Hòa Lâm |
Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực phía sau nghĩa trang Đông Kênh, thôn Hòa Lâm, là công trường khai thác đất với diện tích rất lớn. Nhiều máy xúc đang hoạt động hết công suất, múc đất ven đồi chất lên xe tải hạng nặng chở ra ngoài bãi tập kết không phép sát Quốc lộ 1A để tiêu thụ.
Cũng theo ghi nhận tại đây, xe quá tải hoạt động liên tục nên đoạn đường trong khu dân cư bị cày nát, chi chít ổ voi, ổ gà, sống trâu. Cây xanh, nhà cửa người dân hai bên đường bạc phếch vì bụi đất.
|
|
Tình trạng khai thác đất trái phép đã diễn ra từ lâu nhưng cơ quan chức năng xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn không biết |
Đặc biệt, trong đoàn xe ra vào lấy đất, nhiều chiếc chở đất cao quá thành thùng nhưng không phủ kín bạt khiến đất đá rơi vãi khắp đường gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Trao đổi với phóng viên, ông Cao Văn Sự, Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, thừa nhận khu vực khai thác trên không có giấy phép.
"Sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đã cùng cơ quan chức năng kiểm tra thực tế và cho đình chỉ hoạt động. Ngay sau đó, xã cũng lập biên bản xử phạt đối với trường hợp trên" ông Sự nói.
"Thời gian qua, việc hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế do sự chỉ đạo thiếu kiên quyết của một số ngành, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cấp, ngành trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc quy định liên quan trong quản lý Nhà nước về quy hoạch, thăm dò, khai thác và xử lý nghiêm những vi phạm về lĩnh vực khoáng sản.
Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến, sản xuất, kinh doanh, lưu thông và sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn; Đôn đốc vấn đề hoàn nguyên, bảo đảm an toàn lao động và môi trường; Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động quần chúng Nhân dân hỗ trợ cung cấp thông tin tố giác vi phạm pháp luật về khai thác, chế biến, vận chuyển sử dụng tài nguyên khoáng sản trái phép."
Duy Tân