Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý, hỗ trợ theo thẩm quyền bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Các doanh nghiệp lo ngại rằng đây có thể là vụ lừa đảo lớn khi các doanh nghiệp này đều ký hợp đồng thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu nhân điều sang Italy.
Sự việc xuất phát từ những lo ngại khi hàng đã đến Italy nhưng đến thời điểm này các doanh nghiệp đều gặp tình trạng chung về việc liên tục bị thay đổi số SWIFT - mã số định danh nhận diện ngân hàng.
Tại ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi ngân hàng nhận được bộ chứng từ thì thông báo người mua không phải khách hàng của họ và phía ngân hàng đã trả lại những bộ chứng từ nhưng không ghi rõ trả theo hình thức nào, không cung cấp số vận đơn cho ngân hàng Việt Nam.
Hồ sơ gửi đến ngân hàng tại Italy, phía ngân hàng sở tại thông báo là các bản copy không phải bản gốc. Doanh nghiệp Việt Nam hiện tại cũng không biết bộ chứng từ gốc đang ở đâu. Trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể đến gặp hãng vận chuyển để nhận hàng.
Hiệp hội điều Việt Nam đang kêu gọi sự hỗ trợ, can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền và hãng tàu, đề nghị các hãng tàu áp dụng biện pháp "Khẩn cấp" - tạm thời giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng.
Theo tìm hiểu, trong phi vụ siêu lừa đảo này, các doanh nghiệp xuất khẩu điều đã thực hiện phương thức thanh toán, giao dịch quốc tế D/P (Documents against Payment) tức là “nhờ thu” với 5 ngân hàng Việt Nam khác nhau. Trong đó, có 2 ngân hàng gốc quốc doanh thuộc nhóm Big 4; 2 ngân hàng TMCP thuộc top đầu và 1 ngân hàng TMCP đang trong quá trình tái cơ cấu. Tất cả các ngân hàng này đều sử dụng dịch vụ chuyển phát chứng từ của hãng chuyển phát danh tiếng toàn cầu DHL.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, các ngân hàng ở Việt Nam đều xác nhận họ gửi bộ chứng từ thông qua hãng chuyển phát nhanh, có ý kiến đặt ra là, có thể bộ chứng từ đã bị đánh mất, hay đánh tráo từ bộ phận chuyển phát nhanh (?). Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, hãng chuyển phát nhanh vận chuyển đúng, nhưng khi tới ngân hàng sở tại thì đã bị đánh tráo ngay thời điểm đó (?)...
Ông Nhựt xác nhận đây là vụ lừa đảo lớn nhất được ghi nhận và ông là người đã công tác trong ngành điều hơn 30 năm, cho nên theo ông, "Trước giờ trên thương trường những dạng lừa đảo kiểu này là có nhưng đơn lẻ, không đồng loạt như lần này. Với các doanh nghiệp bị hại, nếu bị mất hàng thì thiệt hại không nhỏ".
Theo phân tích của công ty Luật Dương Gia, nhờ thu kèm chứng từ (Documentary collection) là phương thức mà người bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng, lập bộ chứng từ thanh toán nhờ thu (chứng từ gửi hàng và hồi phiếu), rồi nhờ ngân hàng thu hộ số tiền ghi trên hối phiếu đó, với điều kiện là người mua trả tiền hoặc chấp nhận trả tiền, thì ngân hàng mới trao toàn bộ chứng từ gửi hàng cho người mua để họ nhận hàng.
Tùy theo điều kiện trả tiền, người ta chia phương thức này ra làm các loại gồm: D/P (Delivery against payment) nhờ thu theo hình thức thanh toán theo chứng từ gồm: Một là D/P at sight: thanh toán trả tiền ngay, khi nhận được thanh toán nhờ thu của khách hàng (người mua), thanh toán viên của ngân hàng giao chứng từ cho khách hàng, yêu cầu khách hàng ký nhận; Hai là D/P at X days sight (Delivery of documents against payment of a draft drawn payable at a future date), tức là thanh toán hối phiếu có thời hạn, nhận được chứng từ nhờ thu theo hình thức này, thanh toán viên thông báo khách hàng đến chấp nhận hối phiếu có thời hạn.
“Thanh toán D/P là một phương thức thanh toán xuất khẩu, trong đó, tổ chức xuất khẩu chuyển chỉ thị cho ngân hàng xuất trình để giao chứng từ tiêu đề hàng hóa cho người nhập khẩu. Chỉ khi người nhập khẩu thanh toán đầy đủ theo hóa đơn giá trị hoặc hối phiếu, nói cách khác, nhà nhập khẩu chỉ có thể nhận hàng sau khi đã thanh toán cho ngân hàng xuất trình.
Đơn giản, D/P là một thỏa thuận trong đó người bán chỉ đạo ngân hàng xuất trình chỉ phát hành chứng từ vận chuyển và quyền sở hữu cho người mua, nếu người nhập khẩu thanh toán hoàn toàn hối phiếu hoặc hối phiếu đi kèm. D/P, là một hình thức tự vệ thương mại thường dựa trên chứng từ hối phiếu. Hối phiếu thiết lập các tham số cho việc sử dụng D/P và tổng thể bán hàng. Hối phiếu thường bao gồm ba bên. Đầu tiên là bên ký gửi, bên gửi hàng. Bên thứ hai là người bị ký phát hoặc người mua, và bên thứ ba là người thụ hưởng, trong nhiều trường hợp, ngân hàng đại diện cho người bán”, công ty Luật Dương Gia phân tích.
Việc thanh toán theo phương thức D/P có nhiều rủi ro, nhưng được các doanh nghiệp ngành điều sử dụng nhiều, vì thủ tục đơn giản và thanh toán nhanh với một số lợi thế cho người bán như: Hối phiếu tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp tín dụng thương mại cho người mua; Có thể cung cấp cho người bán khả năng tiếp cận tài chính; Hối phiếu là bằng chứng chính thức, bằng văn bản, được chấp nhận ở hầu hết các tòa án, xác nhận rằng yêu cầu thanh toán (hoặc chấp nhận) đã được thực hiện cho người mua; Người bán giữ quyền kiểm soát hàng hóa cho đến khi người mua thanh toán hối phiếu trả ngay (D/P), hoặc hối phiếu theo thời gian và điều khoản hợp pháp (D/A); Hối phiếu có thể được mua và bán với tỷ giá giảm thông qua chiết khấu.
Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam khẳng định, đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc trong một thời gian ngắn, với số lượng đơn hàng lớn, lại xảy ra đồng thời với nhiều doanh nghiệp như vậy.
Q.T