Xử lý triệt để “sân sau”
Ông Trần Hào Hùng (Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT) cho biết, tháng 12 Bộ KH&ĐT sẽ trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi). “Tại kỳ họp tháng 10/2022 sẽ trình dự thảo đầu tiên ra Quốc hội. Tới kỳ họp tiếp theo (năm 2023) sẽ thông qua lần cuối”, ông Hùng thông tin
Tại hồ sơ dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ KH&ĐT chỉ rõ: Tình trạng vi phạm pháp luật về đấu thầu có chiều hướng giảm nhưng hành vi “thông thầu” vẫn diễn biến phức tạp.
Luật Đấu thầu chưa quy định đầy đủ quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, đặc biệt là công tác kiểm tra kết quả thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát và mới chỉ tập trung quy định chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư. Chưa có quy định cụ thể chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền. Luật cũng chưa có quy định chế tài xử lý đối với trường hợp các cơ quan có thẩm quyền buông lỏng kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị trong đấu thầu, dẫn đến hiệu quả của việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết kiến nghị về đấu thầu trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, bản chất của đấu thầu là cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Hiện nay, quy định về trình tự đấu thầu khá đầy đủ, tuy nhiên quá trình thực thi vẫn xảy ra tình trạng “sân sau”.
“Trình tự thủ tục đầy đủ nhưng vướng ở khâu định giá. Chúng ta cần xem xét sửa Luật Quản lý giá để nâng cao vai trò đơn vị thẩm định giá. Hiện có tình trạng, thẩm định giá là dịch vụ nên giá càng cao, tỷ lệ hoa hồng lớn. Thậm chí các đơn vị bắt tay nhau nâng cao giá so với giá thực tế. Cần có chế tài mạnh hơn và xử lý hình sự để răn đe tình trạng “sân sau” trong đấu thầu”, ông Long kiến nghị.
Luật sư Đỗ Anh Tú (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, để bịt kẽ hở trong đấu thầu, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh việc đấu thầu qua mạng tại Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia do Bộ KH&ĐT quản lý.
“Cần minh bạch trong quy trình công bố hồ sơ mời thầu, chào thầu trên mạng đấu thầu quốc gia. Toàn bộ quy trình của của mỗi gói thầu từ khi công bố hồ sơ mời thầu đến khi kết thúc để nhà thầu, người dân có thể giám sát”, Luật sư Đỗ Anh Tú nói.
“Luật có nghiêm thì doanh nghiệp mới thấy đó là luật thực sự và chấp hành theo. Nên có những điều khoản, chế tài cụ thể cho công tác đấu thầu, một số chế tài ở Luật Đấu thầu còn hời hợt, tính chất răn đe chưa nghiêm” Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam |