Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ về khai thác khoáng sản, bao gồm các quy trình về thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản và quản lý thu chi ngân sách… Tuy nhiên, hiện vẫn đang tồn tại khoảng cách nhất định giữa những quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý, giữa nội dung văn bản và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính trong khai thác khoáng sản. Tình trạng trốn thuế tài nguyên (chủ yếu là do khai báo không đúng sản lượng để tính thuế và sản lượng khai thác thực tế), vận chuyển, buôn bán lậu... đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương, dẫn tới thất thu ngân sách.

Đặc biệt, công khai thông tin và trách nhiệm giải trình của các bên trong khai khoáng còn rất hạn chế. Dẫn đến tình trạng người dân ở nhiều địa phương có các dự án khai khoáng chưa thể giám sát được nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, thậm chí, họ còn chịu nhiều ảnh hưởng của môi trường dẫn đến tình trạng xung đột, tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp ở một số địa phương.

Thực tế đã thấy rất rõ, tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản tràn lan, nhiều nơi vô tổ chức đã không những làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên mà còn ảnh hưởng xấu đến cơ sở hạ tầng, làm xuống cấp rất nhanh hệ thống đường xá, cầu cống, phá hủy môi trường sống, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội cho địa phương nơi có khoáng sản.

Ngoài ra, dưới góc độ khoa học các sản phẩm thiên nhiên thì việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai phải đúng mục đích, triệt để tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả, bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái để phát huy tối đa nguồn lực của đất đai và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, do đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai giữ một vai trò rất quan trọng.

Tuy nhiên thực trạng hiện nay có không ít nơi đang có dấu hiệu quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản, đất đai không đúng với các quy định về Luật khoáng sản và Luật Đất đai đang có hiệu lực thi hành. Thực tế tại dự án trang trại chăn nuôi tại khu phố 12 (phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa hạ cốt nền để khai thác trái phép khoáng sản, đất đai là một ví dụ.


Liên tục những chiếc xe tải có dấu hiệu cơi nới thành thùng vào múc đất tại dự án trang trại chăn nuôi tại khu phố 12 (phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) 

Tại địa điểm trên, trong tầm mắt là một “đại công trường” bao khắp khu đồi đất trồng dứa và keo đã và đang bị các đối tượng mổ xẻ và đục khoét nham nhở.Ngay khi có thông tin trên địa bàn khu phố 12 (phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đang có tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép được che giấu dưới vỏ bọc hạ cốt nền khiến tài nguyên thiên nhiên bị thất thoát gây ô nhiễm môi trường. PV TC Thương hiệu và Sản phẩm đã kịp thời thực địa khu vực.

Suốt 1 tháng quan sát, PV ghi nhận hoạt động khai thác diễn ra một cách công khai. Mỗi ngày có rất nhiều lượt xe tải trọng lớn ra vào nối đuôi nhau chờ lấy đất để đem đi tiêu thụ. Máy móc thiết bị hoạt động từ 7h sáng đến 12h trưa, buổi chiều lại tiếp tục hoạt động từ 13h đến hơn 17h mới nghỉ, bất kể nắng mưa.

Thành thùng xe chở khoáng sản từ khu vực này đều cơi nới, có dấu hiệu quá tải, vượt sức chịu của tuyến đường giao thông mà đoàn xe đi qua. Thực tế nhiều đoạn của tuyến đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Quá trình vận chuyển, đoàn xe còn gây ô nhiễm môi trường, đất đá vụn rơi vãi gây bụi mù mịt.

Để che giấu cho hoạt động bên trong, khu vực khai trường lậu các đối tượng này khai thác chỉ có một lối đi duy nhất và luôn có chốt chặn canh gác. Chỉ cần có bóng dáng của người lạ là ngay lập tức được thông báo dừng hoạt động.


Hình ảnh xe tải chạy trên đường làm bụi khói mù mịt 

Những gì PV ghi nhận thực tế có thể thấy quy mô, diện tích, độ sâu của khu vực được cấp phép san hạ cốt nền có dấu hiệu bị tăng lên rất nhiều. Kéo theo đó, lượng lớn tài nguyên khoáng sản, đất đai bị thất thoát ra bên ngoài.

Từ thông tin và những gì PV ghi nhận, người dân có quyền hoài nghi công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại địa phương còn lỏng lẻo, bộc lộ những hạn chế, gây thất thoát tài nguyên. Không chỉ thất thu ngân sách Nhà nước mà còn để lại hậu quả nặng nề với môi trường và xã hội.

Vậy tổ chức, cá nhân nào đứng sau hoạt động khai thác này? Số tiền thu được từ số lượng khoáng sản, đất đá trên chảy vào túi ai? Câu hỏi này chúng tôi xin dành cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Thiết nghĩ, chính quyền UBND thị xã Bỉm Sơn cần chỉ đạo các cơ quan liên quan như phòng Tài nguyên - Môi trường, Công an TX… xác minh, làm rõ việc có hay không hoạt động vận chuyển trái phép khoáng sản, đất đá ra khỏi khu vực để thu lợi bất chính dưới hình thức xin san hạ cốt nền; ai đã thực hiện hoạt động này đồng thời làm rõ trách nhiệm của UBND phường, lực lượng công an địa bàn cũng như CSGT khi để các đối tượng dùng phương tiện lớn, vận chuyển “đất tặc” ra khỏi địa bàn một thời gian dài làm thất thoát tài nguyên của Nhà nước và coi thường luật pháp về tài nguyên, khoáng sản.

Nhóm PV

Nguồn https://thuonghieusanpham.vn
Link bài gốc

https://thuonghieusanpham.vn/tx-bim-son-thanh-hoa-dat-tac-tung-hoanh-duoi-vo-boc-ha-cot-nen-24072.html?fbclid=IwAR2awaxS-YMfyT71bBtGuF7fbt3pq2y33ox7wgpI9cYWN1ICO_g4OwqsZlE