Trong văn bản số 10793/VPUBND-THNV do ông Nguyễn Tuấn Anh, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hoà Bình ký thừa lệnh của ông Đinh Công Sứ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu UBND huyện Lạc Sơn kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh Hoà Bình về thông tin mà Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh ở loạt bài “Cận cảnh 1 trong 8 điểm tái định cư dự án nghìn tỷ hồ chứa nước Cánh Tạng nhiều 0 tại Hoà Bình” và bài báo “Chính quyền huyện Lạc Sơn có ‘mang con bỏ chợ’ ở khu tái định cư nghìn tỷ Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng?”.

leftcenterrightdel
UBND tỉnh Hoà Bình yêu cầu UBND huyện Lạc Sơn báo cáo sau phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam! 

Theo đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình giao UBND huyện Lạc Sơn chủ trì phối hợp với các Sở, ngành đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh và báo cáo UBND tỉnh những nội dung đã được Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh; chủ động thông tin đến Báo Pháp luật Việt Nam theo luật định.

Văn phòng UBND tỉnh thông báo cho Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn và các đơn vị liên quan biết để thực hiện.

Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã có loạt bài phản ánh về những bức xúc, kiến nghị của người dân tộc Mông ở khu tái định cư xóm Nhụn thuộc xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn tỉnh Hoà Bình về tình trạng khu tái định cư xóm Nhụn toàn 0 khi cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cống, rãnh thoát nước, mái kè taluy chống sạt lở, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học chưa được Chủ đầu tư là UBND huyện Lạc Sơn và nhà thầu tiến hành thi công xây dựng như cam kết đã cho người dân bốc thăm và vận động người dân vào xây dựng nhà cửa bất chấp sự nguy hiểm về tính mạng và tài sản của người dân.


 

 

 Toàn cảnh điểm tái định cư xóm Nhụn nhìn từ trên cao thấy rõ những mái taluy chưa được kè dẫn tới nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào?

Nghiêm trọng hơn trong tổng số 105 hộ dân bốc thăm ở khu tái định cư xóm Nhụn có hơn 20 hộ không thể xây dựng nhà cửa vì nền đất yếu, bên dưới lòng đất toàn nước, rác, cọc tre.

Nhiều hộ dân tiến hành xây dựng nhà bằng bê tông cốt thép thì bị đổ sập, sụt lún, nứt nẻ đang lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” khi nhà cửa, ruộng vườn, đất canh tác đều bị thu hồi để phục vụ dự án xây dựng hồ chưa nước Cánh Tạng.

Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Quách Văn Thỏn, Trưởng xóm khu dân cư xóm Nhụn bức xúc cho biết: “Khi có chủ trương xây dựng hồ chứa nước Cánh Tạng thì các cấp lãnh đạo từ tỉnh Hoà Bình đến UBND huyện Lạc Sơn và các cấp chính quyền đã tiến hành tuyên truyền vận động người dân  phải chấp hành chủ trương của Đảng, nhà nước để xây dựng hồ chứa nước Cánh Tạng phục vụ việc tưới tiêu cho huyện Yên Thuỷ, Lạc Sơn, Lạc Thuỷ và Thanh Hoá với cam kết toàn dân chúng tôi sẽ có mặt bằng đất cứng, về khu ở mới sẽ sướng hơn khu ở cũ.


Video người dân xóm Nhụn tố chính quyền huyện Lạc Sơn không thực hiện đúng cam kết đẩy người dân vào cảnh màn trời chiếu đất. 

Nhưng hiện tại hoàn toàn trái ngược khi mặt bằng vẫn có bậc thang, chỗ bậc thang là đất cứng, mặt bằng là đất bồi khi múc lên lại toàn nước, không có đường bê tông, không có cống rãnh thoát nước, nước sinh hoạt cho người dân cũng chưa có. Đây là vấn đề không đúng sự thật giữa lãnh đạo với người dân".

"Xóm tôi có 18 hộ đã làm đơn lên xã, huyện nhưng chưa được giải quyết, trong khi chính quyền cứ vận động, tuyên truyền giáo dục người dân nhận đất này nhưng bà con không nhất trí, bởi vì cuộc sống của bà con lâu dài, mong muốn có đất cứng để xây dựng nhà cửa...", trưởng xóm khu tái định cư xóm Nhụn bức xúc cho hay.

Tiếp lời, anh Bùi Văn Thưởng, sinh năm 1986 trú tại xóm Nhụn, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình cho biết: “Trước kia chủ trương nhà nước cam kết với chúng tôi là về chỗ ở mới, mặt bằng cứng, bằng phẳng tốt hơn chỗ cũ nhưng khi nhà tôi vào đây bốc thăm được cái lô ngoài đường ở khu tái định cư, khi tiến hành xây dựng từ lúc đổ móng gần 3 tháng.


 

 Hộ gia đình anh Bùi Văn Thưởng (áo cộc xanh) bức xúc vì phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất khi đất nông nghiệp bị thu hồi, đất thổ cư và đất vườn chưa được đền bù nhận được suất đất tái định cư, anh bốc và trúng ngay thửa đất mượn khi xây nhà thì bị nứt lún ở cọc bê tông...đã kiến nghị lên UBND huyện và UBND xã nhưng chưa được giải quyết.

Sau khi đổ móng xong thấy có hiện tượng nứt, lún nghiêng về đằng sau khoảng 10 phân, tôi đã báo cáo với trưởng xóm, với xã thì cũng thấy các anh ở huyện về để xem hiện trường, rồi Phó chủ tịch huyện Lạc Sơn bảo tôi đập một nửa nhà đi để trơ lại sắt rồi lại nhồi bê tông xuống thì làm tiếp, nhưng tôi không đồng ý vì dân chúng tôi, nhà chúng tôi xây dựng có phải là cái chuồng trâu đâu mà đập đi phá lại bởi nhà tôi xây dựng cho kiên cố để ở đến hết đời con, đời cháu....", anh Thưởng cho biết.

Cũng theo anh Thưởng: "Trước đây đi họp với các cấp vào khu tái định cư mới có điện, đường, trường trạm, cống rãnh, đường bê tông nhưng hiện trạng bây giờ chưa có cống rãnh, đường bê tông chưa có, đường trục chính chưa thông, bây giờ phải đi qua đất nhà Phong Lý khi người dân chúng tôi làm nhà chở vật liệu khó khăn lắm trời mưa không chở được còn bị o ép về giá cả, khổ trăm đường.

leftcenterrightdel
 Rất đông người dân bức xúc về khu tái định cư xóm Nhún vì hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện tại không được như cam kết của UBND huyện Lạc Sơn. 

“Tôi là người Mông nên chỉ làm nhà được trong năm nay, sang năm tôi không được tuổi, không thể làm, giờ nhà xây bị nứt, lún, nghiêng về đằng sau mong sao chính quyền đền bù cho tôi để tôi làm nhà dịch về đằng trước để ở cho kịp đón tết. Gia đình tôi phải dựng lều bạt ở tạm từ đó đến nay..

Phía trước 2 dãy đường đi toàn là đất cứng, 18 hộ dân cũng ý kiến xin làm nhà dịch ra đằng trước nhưng xã bảo không cấp được sổ đỏ, không biết như thế nào, không biết để đất đó để làm gì mà toàn cho dân vào ở trong núi đá kia, khổ lắm...”, anh Thưởng bức xúc cho biết.

Không chỉ gia đình anh Thưởng bị nứt nhà mà bà Bùi Thị Nhung, sinh năm 1977, xóm Nhụn, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn cho biết: “Trước khi có dự án này, nhà nước bảo người dân chúng tôi di rời đến nơi ở mới cho nền đất cứng để làm nhà không cho ở nền đất lấp bồi, nhưng đến khi bốc thăm thì các ông (tức UBND huyện Lạc Sơn - PV) cho dân chúng tôi ở đất bồi nên dân chúng tôi không chấp nhận...hiện trạng hạ tầng kỹ thuật thì không có gì cả...".


 
leftcenterrightdel
 Do chủ đầu tư chưa làm rãnh và cống thoát nước, người dân tự khơi rãnh thoát nước để phục vụ việc sinh hoạt. 

Theo quan sát và ghi nhận của PV Báo Pháp luật Việt Nam, con đường vào khu tái định cư xóm Nhụn chưa được làm, đường gập gềnh, bụi bay mù mịt, toàn bộ hệ thống kênh, rãnh thoát nước chưa được làm, các mái taluy chống sạt lở cũng chưa được thi công...thế nhưng UBND huyện Lạc Sơn lại vận động người dân vào xây dựng nhà ở bất chấp tính mạng và tài sản của người dân có thể bị đe doạ bất cứ lúc nào?

 

 
leftcenterrightdel
 Đường vào khu tái định cư xóm Nhụn chưa được thi công, bụi bay mù mịt khiến cho việc đi lại vận chuyển vật liệu của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn khi bụi bay mù mịt, theo phản ánh thì người dân nơi đây còn bị o ép khi lấy vật liệu phục vụ cho việc xây dựng nhà. 

Liên quan đến sự việc này, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Yên Phú, ông Cảnh cho biết: “Những phản ánh kiến nghị của người dân ở Khu tái định cư xóm Nhụn là đúng, ban đầu phải làm xong hết cơ sở hạ tầng cho bà con thì mới cho bà con lên ở nhưng do tính cấp bách của dự án.

UBND huyện và UBND tỉnh cho chủ trương là tuyên truyền nhân dân lên làm dần ở trên khu tái định cư mới để đảm bảo tiến độ nắn dòng.

Trong quá trình tuyên truyền, bà con được bốc thăm công khai dân chủ, có 18 hộ bốc dính lô đất nền yếu có thể do nhiều yếu tố khách quan có thể do mưa nên nền đất yếu...”.

leftcenterrightdel
 Trụ sở UBND xã Yên Phú. 

Trước phản ánh của người dân về việc nhà thầu, đơn vị thi công ẩu, tiến hành san lấp mặt bằng nhưng phía bên dưới lòng đất toàn đá, cây tre và rác lại có dòng suối nên dẫn đến tình trạng khi nền đất yếu không thể xây nhà?

Vị chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: “Phía xã chỉ tuyên truyền vận động người dân, còn việc thi công làm như thế nào lại thuộc về các cấp chính quyền.

Việc này xã đã kiến nghị bằng lời tại hội nghị sau đó đã làm văn bản báo cáo UBND huyện để có giải pháp xử lý cho người dân. Phía huyện đã yêu cầu nhà thầu, đơn vị thi công khắc phục cho người dân những hộ bị ảnh hưởng ít..

Hiện tại có một hộ dân xây nhà ở khu tái định cư xóm Nhụn nhưng diện tích phần đất tái định cư 1 nửa là đất thịt, một nửa là đất mềm được nhà thầu thi công san gạt ra lòng suối và ruộng với độ sâu từ 15 đến 20m mới trồng gạch xong phần tầng 1 chuẩn bị đổ mái thì bị nứt lún, sụt đổ nên nhà thầu (Công ty Như Trang -PV) đã mua lại phần chi phí xây dựng của hộ dân này với giá 250 triệu đồng.

Tiền đền bù cho người dân thì đơn vị thi công tự bỏ vì chưa nghiệm thu...”. Chủ tịch xã Yên Phú thông tin.

Phóng viên đề nghị được tiếp cận hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dân thì Chủ tịch xã Yên Phú cho biết: “Cán bộ địa chính đang đi địa bàn, tôi chuẩn bị đi họp trên huyện nên chưa thể cung cấp được. Hơn nữa việc này do UBND huyện Lạc Sơn làm chủ đầu tư nên anh em lên huyện để nắm thông tin cho cụ thể...”.

Những bất cập tại dự án khu tái định cư xóm Nhụn đang khiến hơn 20 hộ dân nơi đây bức xúc lâm vào tình cảnh “màn trời chiếu đất” khi nhà cửa đất, ruộng, vườn, hoa màu đều bị thu hồi để phục vụ cho dự án nhưng hiện nay lại không thể xây dựng nhà cửa ở khu tái định cư mới để ổn định đời sống.

Vậy, sau khi UBND tỉnh Hoà Bình đã có “trát” chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn phối hợp với các sở ngành, cùng các đơn vị liên quan kiểm tra báo cáo thông tin mà Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh thì UBND huyện Lạc Sơn - Chủ đầu tư phần bồi thường di dân tái định cư sẽ báo cáo gì?

Ngoài ra, những việc làm của Chủ đầu tư là UBND huyện Lạc Sơn đang có dấu hiệu của việc làm trái quy định của Nhà nước, đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hoà Bình giao cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu- PC03 vào cuộc. 

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Quốc Bảo - Nhật Minh

Nguồn https://www.phapluatplus.vn
Link bài gốc

https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/ubnd-tinh-hoa-binh-yeu-cau-huyen-lac-son-bao-cao-vu-khu-tai-dinh-cu-nghin-ty-nhieu-0-d172981.html