Mới đây, Viện trưởng VKSND TC ban hành Quyết định số 02/KN-VKS-HNGĐ, kiến nghị Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/HNGD-GĐT ngày 11-3-2021 của Hội đồng Thẩm phán TAND TC.
Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND TC giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình theo hướng huỷ quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT ngày 11-3-2021 của Hội đồng Thẩm phán TAND TC, huỷ Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 39/2019/HNGĐ-PT ngày 5-12-2019 của TAND cấp cao tại TP HCM và Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27-3-2019 của TAND TP HCM về phần chia tài sản chung, giao hồ sơ cho TAND TP HCM xét xử sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quyết định của số 02, về thẩm định giá tài sản chung, chia tài sản chung của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo còn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự trong vụ án.
Nội dung kháng nghị nhấn mạnh các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Sải Gòn đối với Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên phát hành ngày 25-6-2018; Công ty cổ phần hòa tan Trung Nguyên, phát hành ngày 25-6-2018 và Chi nhánh Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang, phát hành ngày 25-6-2018;
Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên, phát hành ngày 12-6-2018; Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên, phát hành ngày 25-6-2018; Công ty cổ phần Trung Nguyên Franchising, phát hành ngày 15-6-2018; Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Đặng Lê, phát hành ngày 15-6-2018; Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông, phát hành ngày 12-6-2018 đều có hiệu lực trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ký phát hành. Đến ngày xét xử sơ thẩm ngày 20-02-2019 các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá nêu trên đều hết hiệu lực.
Các Chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên và Chi nhánh Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang, Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên, Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Trung Nguyên Franchising, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông đều căn cứ vào Thông tư 122/2017/TT-BTC nêu trên, nhưng khi tiến hành thẩm định thì Báo cáo tài chính các năm 2015, 2016, 2017 của Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên chưa được kiểm toán;
Báo cáo tài chính của Chi nhánh Công ty Cổ phân cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang các năm 2015, 2016, 2017 chưa được kiểm toán; Báo cáo tài chính riêng của Công ty Cổ phần đầu tư Trung Nguyên các năm 2014, 2015, 2016, 2017 chưa được kiểm toán; Báo cáo tài chính của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Đặng Lê các năm 2014, 2015, 2016 chưa được kiểm toán; Báo cáo tài chính của Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông các năm 2014, 2015, 2016, 2017 chưa được kiểm toán.
Tại bản kiểm kê, đánh giá lại tài sản cố định vô hình kèm theo Chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá của các công ty nêu trên, Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn chưa thẩm định giá trị quyền sở hữu trí tuệ (giá trị thương hiệu) của các công ty là thiếu sót. Tuy vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm vẫn sử dụng kết quả thẩm định giá trên để làm cơ sở chia tài sản chung của bà Thảo và ông Vũ là không đúng.
Tại các chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn đều nêu rõ cơ sở thẩm định giá được xác định theo giá trị phi thị trường, không đúng với quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTCVKSNDTC-BTP ngày 06-01-2017.
Tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn đồng ý với kết quả thẩm định giá, nhưng sau phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà Thảo cho rằng: “Việc ban hành quyết định thẩm định giá và kết quả thẩm định giá không chính xác do cơ quan thẩm định giá chỉ dựa vào báo cáo tài chính và danh mục tài sản do các Công ty cung cấp, trong khi đó 07 Công ty trong tập đoàn đều do phía ông Vũ người đại diện theo pháp luật, danh mục tài sản để thẩm định giá không dựa trên kết quả kiểm toán độc lập và không được phía bà Thảo xác nhận” (trang 22 biên bản phiên tòa phúc thẩm).
Do các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá đã hết hiệu lực và nguyên đơn không đồng ý kết quả thẩm định giá nên Tòa án cấp phúc thẩm phải tiến hành định giá lại tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 104 BLTTDS.
Tòa án cấp phúc thẩm không định giá lại mà sử dụng kết quả thẩm định giá tại cấp sơ thẩm để giải quyết vụ án. Quyết định giám đốc thẩm cho rằng tại bản ý kiến của bà Thảo ngày 21-02-2019 và trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự không yêu cầu định giá lại nên Tòa án cấp phúc thấm không định giá lại là không đúng với nội dung kháng cáo phúc thẩm và ý kiến của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bà Thảo tại phiên tòa phúc thẩm.
Về việc chia tài sản chung của vợ chồng, bà Thảo là doanh nhân, quá trình giải quyết vụ án bà Thảo luôn có yêu cầu được chia (nhận) tài sản bằng hiện vật đối với cổ phần và phần vốn góp tại các công ty để tiếp tục thực hiện việc kinh doanh.
Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét đánh giá toàn diện về số cổ phần, phần vốn góp và nhu cầu sử dụng của đương sự mà chia toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo giá trị số cổ phần, phần vốn góp trong các công ty bằng tiền là vi phạm quyền được kinh doanh của bà Thảo theo quy định của pháp luật.
Trong kiến nghị cũng nêu rõ, bà Thảo đã nhiều năm tham gia điều hành hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên, nhất là thời gian ông Vũ không trực tiếp điều hành hoạt động của Tập đoàn. Tòa án hai cấp xem xét việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong tập đoàn Trung Nguyên chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị tài sản tại ngân hàng, cổ phần, phần vốn góp trong Tập đoàn Trung Nguyên là không đảm bảo quyền lợi của bà Thảo.
Tòa án các cấp xác định ông Vũ đóng góp công sức nhiều hơn và chia cho ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo được hưởng 40% giá trị cổ phần và phần vốn góp trong các công ty, tài sản tại các ngân hàng là chưa phù hợp, nên cần tăng tỷ lệ % tài sản bà Thảo được chia trong khối tài sản chung nêu trên để bảo đảm công bằng quyền lợi cho bà Thảo.
Trước đó, Hội đồng thẩm phán TAND TC đã xét xử giám đốc thẩm và phát hành quyết định giám đốc thẩm vụ án “tranh chấp về hôn nhân và gia đình” giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (48 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV TNI) và bị đơn – ông Đặng Lê Nguyên Vũ (50 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).
Theo đó, Hội đồng thẩm phán TAND TC chấp nhận một phần quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND tối cao đối với vụ án trên, về phần quan hệ hôn nhân; về cách tuyên trong phần giao bất động sản; về 6 tài khoản ngân hàng đang đứng tên ông Lê Hoàng Văn.
HĐTP TAND TC chấp nhận đơn xin rút một phần yêu cầu phản tố của ông Đặng Lê Nguyên Vũ về chia khoản tiền ngoại tệ là hơn 1,4 triệu GBP, và 7,35 triệu USD (tổng cộng tương đương gần 213 tỉ đồng, tại thời điểm xét xử) trong 6 tài khoản đứng tên ông Lê Hoàng Văn.
Từ đó, HĐTP TAND TC sửa bản án phúc thẩm liên quan, theo hướng: cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ ly hôn.
Về chia tài sản chung: tổng tài sản của bà Thảo với ông Vũ giải quyết chia giá trị hơn 7.900 tỉ đồng (làm tròn). Trong đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được chia tổng số tài sản trị giá hơn 3.245 tỉ đồng, ông Đặng Lê Nguyên Vũ được chia tổng số tài sản trị giá hơn 4.687 tỉ đồng.
Cụ thể: Về bất động sản (BĐS), HĐTP TAND tuyên giao cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo 7 bất động sản, tổng trị giá gần 376 tỉ đồng; giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ 6 bất động sản, tổng trị giá được chia là hơn 350 tỉ đồng. Ông Vũ và bà Thảo có trách nhiệm liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục chuyển đổi giấy chứng nhận.
Giao bà Lê Hoàng Diệp Thảo được sở hữu toàn bộ tiền đứng tên bà Thảo gửi tại các ngân hàng, với số tiền hơn 1.551 tỉ đồng.
Giao ông Đặng Lê Nguyên Vũ được sở hữu toàn bộ số cổ phần đang ghi tên ông Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên, tương đương số tiền trị giá khoảng 5.655 tỉ đồng.
Chính vì lẽ đó, HĐTP TAND TC tuyên ông Vũ thanh toán cho bà Thảo số tiền chênh lệch về giá trị tài sản thực nhận so với giá trị tài sản được chia là hơn 1.318 tỉ đồng.
Các quyết định khác của bản án phúc thẩm vẫn giữ nguyên.
Bản án phúc thẩm ngày 5-12-2019 của TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên xử công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ. Về cấp dưỡng, tòa công nhận sự tự nguyện của bà Thảo về việc nuôi bốn người con, ông Vũ cấp dưỡng 2,5 tỉ đồng mỗi người con/năm từ năm 2013 đến khi học xong đại học.
Về tài sản, tòa giao ông Vũ sở hữu các bất động sản và toàn bộ cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên, gồm toàn bộ số cổ phần của ông bà trong công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, tương đương với hơn 5.700 tỉ đồng…
Về bất động sản, tòa giao ông Vũ sở hữu toàn bộ sáu căn nhà và đất mà ông Vũ đang quản lý và sử dụng có giá trị 350 tỉ đồng tại TP HCM, TP Nha Trang (Khánh Hòa) và TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Tòa giao bà Thảo sở hữu số bất động sản trị giá gần 376 tỉ đồng tại TP HCM và TP Đà Nẵng, cùng số tài sản là tiền, vàng, các loại ngoại tệ đang gửi ngân hàng, tổng cộng là 1.764 tỉ đồng. Ông Vũ phải thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Thảo gần 1.224 tỉ đồng.
Ngoài ra, tòa phúc thẩm ghi nhận sự tự nguyện của ông Vũ để lại tài sản của mình tại Công ty TNHH Trung Nguyên International - TNI tại Singapore cho bà Thảo.
Công Phương