Hội đồng xét xử nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, hàng hóa bị làm giả trong vụ án là thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân, là mặt hàng đặc biệt do Nhà nước quản lý.

Các bị cáo đều có nhận thức pháp luật và có trình độ chuyên môn, tuy nhiên các bị cáo cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây bất bình trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế.

Theo đó, với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị tuyên phạt 4 năm tù; Nguyễn Việt Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Bộ Y tế bị tuyên phạt 3 năm tù; Lê Đình Thanh, nguyên công chức Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh bị phạt 2 năm tù.

leftcenterrightdel
 Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.

Tòa xác định bị cáo Trương Quốc Cường đã thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Cụ thể, bị cáo Cường đã thiếu trách nhiệm trong việc thành lập, quản lý hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc; thiếu trách nhiệm trong việc điều hành, giám sát bộ phận thường trực đăng ký thuốc; xét duyệt cấp số đăng ký cho 7 thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada trong khi biên bản thẩm định và hồ sơ không đủ điều kiện cấp; không đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn mác Health 2000 Canada.

Với vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Phó Chủ tịch thường trực, được Chủ tịch ủy quyền điều hành Hội đồng xét duyệt thuốc, bị cáo Trương Quốc Cường đã thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu giám sát, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của nhóm chuyên gia thẩm định và bộ phận thường trực đăng ký thuốc, đồng ý xét duyệt cấp số đăng ký thuốc trong khi hồ sơ không đủ điều kiện cấp, dẫn đến hậu quả 6/7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 được nhập khẩu và tiêu thụ tại Việt Nam, với trị giá hơn 148 tỷ đồng.

Mặt khác, mặc dù nhận được nhiều thông tin về thuốc Health 2000 Canada là không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhưng bị cáo Trương Quốc Cường không chỉ đạo đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy thuốc dẫn đến hậu quả các cơ sở y tế trong nước tiếp tục sử dụng các loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada, không rõ nguồn gốc xuất xứ để điều trị cho người bệnh, tổng trị giá 3,7 tỷ đồng. 

Hội đồng xét xử cũng đã cân nhắc bị cáo Trương Quốc Cường có nhiều cống hiến trong quá trình công tác, được trao tặng nhiều huân, huy chương, bằng khen…

Tại phiên tòa, bị cáo Cường đã thành khẩn khai nhận hành vi vi phạm, có thái độ ăn năn hối cải, bị cáo và gia đình đã tự nguyện nộp 1,8 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án…

Trên cơ sở đó, Tòa đã cân nhắc và quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Trương Quốc Cường.

Hai bị cáo: Phạm Hồng Châu (sinh năm 1957, nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế) và Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1976, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế) cùng bị phạt 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”

Tòa tuyên phạt 9 bị cáo: Nguyễn Minh Hùng (sinh năm 1978, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) 18 năm tù, tổng hợp với bản án 17 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 30 năm tù; Võ Mạnh Cường (sinh năm 1978, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Hàng hải Quốc tế H&C) 20 năm tù, tổng hợp với bản án 20 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 30 năm tù; Nguyễn Trí Nhật (sinh năm 1975, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) 16 năm tù, tổng hợp với bản án 12 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 28 năm tù; Ngô Anh Quốc (sinh năm 1984, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) 15 năm tù, tổng hợp với bản án 16 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 30 năm tù; Phan Cẩm Loan (sinh năm 1973, nguyên Phó Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma) 8 năm tù, tổng hợp với bản án 7 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 15 năm tù; Lê Thị Vũ Phương (sinh năm 1982, nguyên Kế toán Trưởng Công ty VN Pharma) 8 năm tù, tổng hợp với bản án 5 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 13 năm tù; Phạm Anh Kiệt (sinh năm 1963, nguyên Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dược Sài Gòn) 14 năm tù, tổng hợp với bản án 3 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 17 năm tù; Phạm Quỳnh Trang (sinh năm 1980, nguyên nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại hàng hải Quốc tế H&C) 7 năm tù, tổng hợp với bản án 4 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai bản án là 11 năm tù; Nguyễn Thị Quyết (sinh năm 1983, nguyên nhân viên Phòng Xuất nhập khẩu Công ty VN Pharma) 6 năm tù về cùng tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.”

Trừ bị cáo Thanh, ngoài án phạt tù, Tòa còn tuyên cấm các bị cáo trong vụ án đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề  hoặc làm công việc liên quan đến lĩnh vực dược phẩm, y tế trong thời hạn từ 3 năm.

Cũng tại phiên tuyên án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng đối với các cơ quan Bộ Y tế, Cơ quan điều tra - Bộ Công an… về những vấn đề có liên quan.

Bản án sơ thẩm nhận định đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Hành vi của các bị cáo không chỉ gây ra hậu quả nặng nề về mặt chính trị, kinh tế mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của những người bệnh.

Để ngăn ngừa những sai phạm xảy ra tương tự trong tương lai, Hội đồng xét xử kiến nghị Bộ Y tế xem xét lại vào toàn bộ quy trình thẩm định thuốc.

Đặc biệt là các loại thuốc do nước ngoài sản xuất việc hợp thức hóa lãnh sự phải là quy định bắt buộc được quy định tại Thông tư 01 của Bộ Ngoại giao. Đây là căn cứ xác định các giấy tờ nước ngoài được sử dụng tại Việt Nam là phải có nội dung thật và có giá trị pháp lý.

Hội đồng xét xử cho rằng quy trình xét duyệt và thẩm định thuốc còn có lỗ hổng về pháp lý nhất là khẩu thẩm định bổ sung chỉ do 1 người thẩm định không bắt buộc phải thông báo cho các thành viên còn lại. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị trong vụ án.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra truy tố bị cáo Trương Quốc Cưởng và bị cáo Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) đối với hành vi trong việc cấp phép cho 5 loại thuốc do Codupha đăng ký.

Qua đó, Hội đồng xét xử nhận thấy cần xem lại quy trình thẩm định của các chuyên gia đối với 5 loại thuốc do Công ty Codupha đứng tên đăng ký và xem xét trách nhiệm của các chuyên gia đối với hậu quả thực tế xảy ra.

Tòa đề nghị Bộ Y tế còn cần có biện pháp rà soát lại, đánh giá các loại thuốc nhập khẩu để có sự điều chỉnh lại giá thuốc để người dân được sử dụng giá thuốc hợp lý nhất, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Bên cạnh đó, Tòa cho rằng, để xảy ra vụ án này, bên cạnh trách nhiệm của các cán bộ thuộc Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế thì còn trách nhiệm rất lớn từ phía các cán bộ hải quan trong việc đã không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, cho thông quan nhiều lô thuốc giả nhãn mác Helix Canada và Health 2000 Canada, không rõ nguồn gốc xuất xử của Công ty VN Pharma.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ làm rõ được sai phạm của bị cáo Lê Đình Thanh (nguyên cán bộ hải quan Thành phố Hồ Chí Minh) trong việc kiểm tra hồ sơ tờ khai số 100112387910 ngày 26/8/2014.

Do vậy, Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan điều tra - Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ trách nhiệm của các cán bộ hải quan có liên quan đến việc thông quan các lô hàng khác của công ty VN Pharma liên quan đến vụ án này. Nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

A.K


Nguồn
Link bài gốc