Cần tạo điều kiện cho phương tiện đi đăng kiểm
Theo dữ liệu trên website Cục Đăng kiểm Việt Nam, tại Hà Nội, lượng xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống hết hạn đăng kiểm từ 1 đến 3 tháng lên đến trên 6.500 xe, trong đó ôtô khách chiếm 2.835 xe, ôtô tải và xe chuyên dụng chiếm gần 4.000 xe và số lượng xe rơ moóc, sơ mi rơ moóc chỉ có 165 xe. Cùng với đó, tại TPHCM, lượng ôtô dưới 9 chỗ trở xuống quá hạn đăng kiểm từ 1 đến 3 tháng chiếm số lượng 6.389 xe, ôtô khách chiếm 3.117 xe, ôtô tải và chuyên dụng chiếm 5.728 xe, rơ moóc và sơ mi rơ mooc chiếm 491 xe.
|
|
Một dây chuyền của Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-03S Mỹ Đình phải tạm dừng hoạt động (ảnh chụp 8.9). Ảnh: Đ.T |
Nguyên nhân do TP.Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng dịch COVID-19, do đó các chủ phương tiện không thể đi đăng kiểm được khi không có lý do để ra đường.
Theo anh Nguyễn Mạnh Cường (trú tại Giáp Nhất, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội), hiện xe của anh đã hết hạn đăng kiểm nhưng do khu nhà anh cạnh ổ dịch ngõ 328 Nguyễn Trãi và anh cũng không có giấy đi đường nên không thể mang phương tiện đi đăng kiểm được. Cũng như anh Cường, nhiều người dân đang tỏ ra lo lắng khi không biết tới đây có bị xử phạt do đăng kiểm muộn hay không?
Theo quy định, đăng kiểm là một trong những dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động khi giãn cách theo Chỉ thị 16. Theo đó các trung tâm tại TPHCM và Hà Nội vẫn hoạt động với 1/2 số lượng dây chuyền.
Ông Nguyễn Minh Hải - Giám đốc Trung Tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-03S Mỹ Đình cho biết, hiện trung tâm chỉ hoạt động ½ dây chuyền nhưng lượng xe đến đăng kiểm chỉ bằng ¼ thời điểm trước ngày 23.7.2021.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục vừa có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) yêu cầu cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông các địa phương không xử phạt đối với xe ôtô quá hạn đăng kiểm tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội khi chủ xe đưa xe đi đăng kiểm.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là chủ xe chở hàng “luồng xanh” vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa trong thời gian phòng chống dịch, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tạo điều kiện thuận lợi, thực hiện kiểm định nhanh chóng, kể cả có thể kiểm định ngoài đơn vị đối với các phương tiện đã hết hoặc sắp hết hạn kiểm định, đặc biệt là các phương tiện vận tải hàng thiết yếu.
Chờ phản hồi từ cơ quan công an
Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, phía Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) vẫn chưa có phản hồi chính thức về đề nghị không xử phạt xe quá hạn đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Theo ông Nguyễn Minh Hải, thẩm quyền xử phạt không thuộc cơ quan đăng kiểm mà thuộc thẩm quyền của lực lượng cảnh sát giao thông. Như vậy theo quy định hiện nay, xe hết hạn đăng kiểm là không được phép lưu hành và muốn đi đăng kiểm sẽ phải dùng xe cứu hộ. Ông Hải đưa ra dẫn chứng, hiện các phương tiện nhập cảng về Việt Nam khi chạy từ Hải Phòng về Hà Nội hoặc các tỉnh khác phải làm đăng kiểm tạm thời hoặc phải dùng xe cứu hộ hoặc xe tải chuyên dụng chở chứ không được phép lưu thông.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019, mức phạt cho tài xế và chủ xe giao ôtô cho người khác điều khiển tùy thuộc vào thời gian quá hạn đăng kiểm của ôtô dưới 1 tháng hay từ 1 tháng trở lên có thể xử phạt theo hai mức phạt. Quy định tại điểm c, Khoản 4, Điều 16 của Nghị định, người điều khiển xe có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 1 tháng sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng. Theo quy định tại điểm e, khoản 5, điều 16 Nghị định nêu rõ, người điều khiển xe không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng trên 1 tháng sẽ bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng.
Ngoài ra, đối với chủ xe giao ôtô cho người khác điều khiển, mức phạt quá hạn đăng kiểm dưới 1 tháng từ 4-6 triệu đồng áp dụng với cá nhân và từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức (theo điểm b, khoản 8, điều 30 Nghị định 100/2019). Trường hợp xe không có đăng kiểm hoặc đăng kiểm ôtô quá hạn trên 1 tháng thì mức phạt đối với chủ xe là cá nhân từ 6-8 triệu đồng và mức phạt đối với chủ xe là tổ chức từ 12-16 triệu đồng (theo điểm c, khoản 9, điều 30 Nghị định 100/2019).
Đặng Tiến