Cuộc đua doanh số giữa các hãng ôtô tại Việt Nam đang diễn ra quyết liệt với nhiều diễn biến hấp dẫn.
Khác với thời điểm quý III năm trước, khi mà Hyundai bứt tốc và tạo được lợi thế trước Toyota, hiện nay 2 nhà sản xuất này so kè nhau sát sao và chưa thể dự đoán được kết quả cuối cùng trong vài tháng tới.
Bên cạnh đó, màn cạnh tranh cho vị trí top 3 cũng đang khó lường khi VinFast liên tục thu hẹp khoảng cách và có thể vượt mặt Kia bất kỳ lúc nào.
Toyota và Hyundai đang ở thế hòa
Hiện tại, doanh số xe du lịch của Toyota và Hyundai tích lũy được đến hết tháng 9/2021 lần lượt là 37.902 xe và 37.846 xe, dẫn đầu thị trường ôtô Việt Nam. Trong năm nay, Hyundai từng là cái tên dẫn trước khi kết thúc quý I, đến cuối tháng 6 thì Toyota đã giành lấy vị trí dẫn đầu.
Điểm chung khi tổng kết ở 3 quý đã qua là khoảng cách doanh số không quá cách biệt và cơ hội để giành chiến thắng khi kết sổ năm 2021 đang được chia đều cho cả 2 thương hiệu.
Phân tích về cơ hội của Toyota, hãng xe Nhật Bản dù có dải sản phẩm đa dạng hơn Hyundai nhưng chủ yếu doanh số chính phụ thuộc vào Vios và Corolla Cross. Mẫu sedan hạng B đóng góp 12.646 chiếc, trong khi chiếc SUV 5 chỗ bán được 8.197 xe và bộ đôi này hiện nắm giữ gần 55% lượng xe tiêu thụ của Toyota Việt Nam sau 3 quý.
Thực tế, Toyota Vios hiện không có được phong độ tốt khi có giai đoạn liên tiếp vị Hyundai Accent dẫn trước về mặt doanh số. Gần nhất, trong tháng 9 Vios bán được 692 xe, chỉ bằng một nửa kết quả của Accent (1.392 chiếc).
Trong khi đó, Toyota Corolla Cross sau hơn một năm ra mắt đang ghi nhận kết quả khả quan và là một trong số những dòng xe gầm cao đô thị bán tốt nhất trên thị trường. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào nguồn cung từ Thái Lan nên mẫu SUV của Toyota ít nhiều khó có được doanh số trung bình hơn 1.000 xe/tháng như Kia Seltos.
Một cái tên có thể giúp Toyota tăng khả năng cạnh tranh thị phần trong các tháng cuối năm là Raize. Được xác nhận sẽ bán ra vào thời gian tới, Toyota Raize có nhiều tiềm năng để bán chạy khi mang thiết kế SUV cỡ nhỏ, gián tiếp cạnh tranh với các dòng xe bình dân tầm 500 triệu đồng của Hyundai như Grand i10 Sedan hay Accent.
Về phía hãng xe Hàn Quốc, niềm hy vọng chính hiện tại được đặt lên vai của Accent cùng Santa Fe. Hai mẫu xe này được giới thiệu phiên bản mới trong năm qua và đang gặt hái được các thành tích nổi bật trên thị trường. Hai mẫu xe này đang đóng góp tới 54% tổng doanh số ôtô du lịch của thương hiệu Hàn Quốc, tương tự tình thế của Toyota với Vios và Corolla Cross.
Với Hyundai Accent là việc dẫn đầu nhóm xe cỡ B khi bán được 13.036 xe tính đến hết tháng 9, xếp trên đối thủ trực tiếp Toyota Vios. Trong khi đó, Hyundai Santa Fe với doanh số 7.397 chiếc cũng dễ dàng đánh bại Toyota Fortuner (3.050 xe).
Tuy nhiên, Hyundai sẽ cần phải cẩn trọng khi Grand i10 đã không còn giữ được sức mua ổn định trong thời gian qua dù đã ra mắt đời xe mới từ giữa năm. Việc liên tiếp bị VinFast áp đảo ở nhóm xe hạng A với Fadil có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến Hyundai chưa thể bức lên trong cuộc cạnh tranh với Toyota.
Bên cạnh đó, doanh số đi xuống của Kona và Elantra cũng ảnh hưởng đến phong độ chung của Hyundai trong năm 2021. Thị phần ở phân khúc SUV đô thị và xe cỡ C đang bị Kia lấn lướt với sự xuất hiện của Seltos và K3/Cerato.
Trong bối cảnh thị trường ôtô chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, doanh số của cả Toyota và Hyundai đều thấp hơn cùng kỳ năm trước. Với Toyota, hãng xe Nhật Bản đang ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng âm 7,7%, còn con số tương ứng của Hyundai là 14,6%.
VinFast cạnh tranh trực tiếp với Kia
Ở năm thứ 3 có mặt trên thị trường, VinFast đã vượt qua nhiều nhà sản xuất dày dạn kinh nghiệm khác để hướng đến việc cạnh tranh một vị trí trong top 3 hãng xe bán chạy nhất năm.
Hiện tại, doanh số tích lũy của VinFast là hơn 25.500 xe, cao thứ 4 trên bảng xếp hạng. Nhìn vào kết quả kinh doanh được công bố của VinFast, có thể gọi đây là “thương hiệu một dòng xe” khi Fadil gần như “gồng gánh” tất cả.
Mẫu xe hạng A Việt Nam đang là dòng ôtô bán chạy nhất thị trường với 17.668 chiếc bán ra, chiếm hơn 69% doanh số của VinFast sau 3 quý. Trong khi đó, lượng xe tiêu thụ của Lux A2.0 và Lux SA2.0 lần lượt là 4.771 xe và 3.088 xe.
Thành tích của VinFast nói chung và Fadil nói riêng chủ yếu đến từ việc hãng xe Việt Nam liên tiếp tung ra các chính sách ưu đãi sâu cho khách hàng, nhất là trong giai đoạn cuối quý II và quý III dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Fadil vẫn duy trì phong độ ổn định và giữ vị trí xe bán chạy nhất thị trường nhiều tháng liền.
Về phía Kia, hãng xe Hàn Quốc cũng có thể xem là một “hiện tượng” của năm 2021 khi đang nắm giữ vị trí thứ 3 với doanh số khoảng 27.600 xe. So với cùng kỳ tháng 9/2020, kết quả này cao hơn 7.000 xe và tăng trưởng đến 35%, bất chấp thị trường gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Kia đang có được danh mục sản phẩm đa dạng và giàu sức cạnh tranh, đủ sức so kè với dàn xe của Toyota cũng như Hyundai ở nhiều phân khúc. Đơn cử có thể đến Seltos, Cerato/K3, Sorento hay Sedona/Carnival.
Ngược lại, từ cuối năm 2020, Mazda đánh mất vị trí thương hiệu bán tốt nhất của Thaco. Hãng xe Nhật Bản không còn là đối trọng đáng gờm của Toyota và Hyundai như trước khi các sản phẩm mới trình làng trong hơn 2 năm qua được đánh giá là kém hấp dẫn với người dùng.
Mazda2, Mazda3, Mazda6 dần bán chậm hơn, trong khi Mazda CX-5 và CX-8 không phải lúc nào cũng có được phong độ tốt trước Hyundai Tucson, Honda CR-V và nhiều mẫu SUV khác.
Dù vậy, nếu xét đến yếu tố thị phần thì Thaco vẫn đang là “ông lớn” có ảnh hưởng nhất trên thị trường nhờ vào sự “chung tay” của Kia, Mazda và Peugeot. Ba thương hiệu của Thaco cùng nhau nắm giữ 24,22% doanh số toàn thị trường xe du lịch, trong khi tỷ lệ tương ứng của Toyota và Hyundai là 18,98% và 18,95%.
Ở phần còn lại của bảng xếp hạng, thứ tự các hãng xe không có thay đổi nào đáng kể so với thời điểm giữa năm. Mitsubishi, Mazda, Honda và Ford chia nhau các vị trí từ 5 đến 9.
Trong khi đó, Suzuki giữ đà tăng trưởng để xếp trên Peugeot và Isuzu ở nhóm cuối bảng. Ngoài ra, có nhiều thương hiệu không công bố doanh số bán hàng tại Việt Nam, chẳng hạn Nissan, Volkswagen, Subaru, MG...