Nhiều mẫu xe tăng giá
Theo Tuổi Trẻ, 2 mẫu xe góp mặt tăng giá trong sự bất ngờ của nhiều khách hàng là Ford Ranger, Everest. Hãng xe thương hiệu Mỹ đã đồng loạt điều chỉnh giá bán mẫu xe bán tải Ranger kể từ đầu năm 2022. Tất cả phiên bản tăng thêm 12 triệu đồng so với trước đây, mẫu bán tải Ranger với phiên bản thấp nhất có giá 628 triệu đồng/chiếc.
Trong khi đó, bản cao nhất Ranger Wildtrak 2.0L AT 4x4 được đẩy lên 937 triệu đồng/chiếc, đắt thứ hai trong phân khúc, chỉ xếp sau Navara Pro4X đang được Nissan niêm yết với giá 945 triệu đồng. Phiên bản nhập khẩu từ Thái Lan Ranger Raptor giữ nguyên giá 1,2 tỷ đồng.
Tương tự, 2 dòng xe gầm cao Toyota Corolla Cross và Hyundai Santa Fe tăng giá bán lần lượt 10 - 20 triệu đồng/chiếc, áp dụng ngay đầu năm 2022.
Với mẫu xe của Toyota Corolla Cross bản 2022, theo các đại lý lý giải tăng giá là áp tiêu chuẩn khí thái mới Euro5 theo quy định của nhà nước.
Trước đây, các xe Corolla Cross đang theo chuẩn Euro4. Ngoài thay đổi chuẩn khí thải và bổ sung cảm biến khí thải, xe cũng thêm một số trang bị. Về vận hành, thay vì ga hành trình thích ứng giới hạn cho một số dải tốc độ, bản mới sẽ được cập nhật cho toàn bộ dải tốc độ.
Từ khi ra mắt thị trường Việt Nam mẫu Toyota Corolla Cross, dòng xe này được khách hàng Việt chọn lựa khá nhiều so với các đối thủ cùng phân khúc, có một số thời điểm khan hàng.
Thông tin từ các đại lý ôtô, mẫu xe đang được săn đón như Hyundai Santa Fe 2022 cũng được điều chỉnh giá bán tăng 20 triệu đồng/chiếc, nâng giá bán lên 1,26 tỷ đồng/chiếc. Tiết lộ lý do tăng giá là hãng xe bổ sung tính năng, trang thiết bị an toàn "đáng đồng tiền bát gạo" như ga hành trình thông minh (Smart Cruise Control) và tự động giữ khoảng cách với xe phía trước.
|
|
Trong khi nhiều hãng ô tô đồng loạt giảm giá xe kích cầu đến khách hàng, một số hãng xe bất ngờ tăng giá bán, cắt giảm ưu đãi ngay đầu năm mới 2022. Ảnh minh họa |
Vì sao xe tăng giá?
Theo Nhịp sống kinh tế, chia sẻ với báo chí, nhiều đại lý cho biết, lý do nhiều mẫu ô tô bất ngờ tăng giá trong thời gian gần đây có thể là do tình trạng giá phụ tùng tăng và khủng hoảng chip bán dẫn kéo dài.
Theo VTV, khi dịch Covid-19 bùng phát, các nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm sản lượng và các đơn đặt hàng phụ tùng. Nhưng khi doanh số bắt đầu phục hồi, các nhà sản xuất lại rơi vào tình trạng thiếu hụt các sản phẩm bán dẫn cần thiết, buộc họ phải giảm mạnh sản lượng.
Thông tin từ công ty tư vấn về quản trị kinh doanh AlixPartners, ngành ô tô đã thiệt hại khoảng 210 tỷ USD doanh thu trong năm 2021. Dù tình trạng thiếu hụt chip đã cải thiện phần nào, nhưng nguồn cung linh kiện quan trọng này vẫn chưa bình thường trở lại, và hoạt động sản xuất ô tô sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng trong năm 2022. Tệ hơn nữa, ngành ô tô có thể còn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiều phụ tùng khác như lốp xe, nhựa nội thất và đệm ghế.
Tổng cộng, các nhà sản xuất ô tô trên toàn thế giới đã sản xuất ít hơn dự kiến năm ngoái khoảng 8 triệu chiếc do tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Kể cả khi sản lượng phục hồi, thì các nhà phân phối cũng không thể ngay lập tức dự trữ được lượng hàng trong kho như trước.
Kết quả là người mua sẽ có ít sự lựa chọn hơn, trong khi giá ô tô sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng kỷ lục. Vào cuối năm 2021, một chiếc xe ô tô mới điển hình có giá 45.000 USD, tăng khoảng 8.000 USD so với thời điểm tháng 12/2020.
Đào Vũ (Tổng hợp)