Việc lựa chọn cho mình một chiếc xe ôtô, ngoài những yếu tố về ngoại hình, sức mạnh động cơ,...người tiêu dùng cũng nên quan tâm đến những công nghệ giúp xe ôtô tiết kiệm nhiên liệu hơn. Đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu ngày càng tăng cao.

Sau đây là những công nghệ mà các nhà sản xuất đã phát triển và ứng dụng trên xe ôtô, nhằm mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.

Công nghệ hybrid

Động cơ hybrid là sự kết hợp giữa động cơ đốt trong truyền thống và một động cơ điện. Ưu điểm lớn nhất của xe được trang bị công nghệ này là có thể tiết kiệm nhiên liệu nhờ việc hoạt động của động cơ điện thay cho động cơ đốt trong một vài tình huống sử dụng. Đặc biệt, động cơ hybrid cho ôtô còn có khả năng tái tạo năng lượng khi xe đổ dốc hoặc phanh.

Thử nghiệm thực tế cho thấy, phiên bản hybrid luôn tiết kiệm hơn khoảng gần một nửa so với bản xăng có cùng điều kiện vận hành (người lái, quãng đường, số km...). Quan trọng hơn, vì tiêu thụ ít nhiên liệu, nên lượng khí phát thải ra môi trường cũng ít hơn.

Công nghệ này đã xuất hiện trên thế giới vào khoảng những năm 1997 nhưng vẫn còn là một khái niệm khá mới tại thị trường ôtô Việt Nam, hiện mới chỉ có trên mẫu xe Toyota Corolla Cross. Corolla Cross là mẫu xe đầu tiên sử dụng động cơ hybrid được bán chính hãng ở Việt Nam. Trước đó, nhiều mẫu hybrid được nhập về thông qua dạng không chính hãng, nhưng thường chỉ ở phân khúc xe sang.

leftcenterrightdel
 Xe Toyota Corolla Cross

Công nghệ hybrid cho phép sử dụng kết hợp động cơ xăng, điện mà không cần cắm sạc điện như trên xe plug-in hybrid hay xe điện thuần túy nên phù hợp với những thị trường có hạ tầng trạm sạc điện chưa phát triển như Việt Nam.

Tuy nhiên, điểm trừ cho xe hybrid là giá thành cũng như chi phí bảo dưỡng sửa chữa cao hơn xe động cơ đốt truyền thống.

Phun xăng điện tử

Từ những năm 1970 khi quy định về khí thải bắt đầu được thắt chặt, các hệ thống giúp giảm phát thải và tiết kiệm nhiên liệu bắt đầu được đưa vào sử dụng. Nổi bật trong số đó là hệ thống phun xăng điện tử (Fi) được sử dụng phổ biến trên xe hơi vào cuối những năm 1980.

Ngày nay, công nghệ này không những được áp dụng trên ôtô và còn được trang bị trên xe máy rất nhiều.

Tại sao nói xe có hệ thống phun xăng điện tử tiết kiệm hơn xe chỉ sử dụng bộ chế hoà khí? Đó là vì nguyên lý hoạt động cơ bản của Fi là sử dụng một hệ thống điều khiển điện tử để can thiệp vào quá trình phun nhiệu liệu vào buồng đốt động cơ nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nhiên liệu.

Đảm bảo cho động cơ luôn vận hành trơn tru mà không xảy ra tình trạng thiếu hay thừa nhiên liệu như dùng bộ chế hoà khí. Hệ thống này hoạt động dựa trên các cảm biến oxy, vị trí bướm ga và vị trí trục cam... Từ đó, bộ điều chỉnh ECU trung tâm sẽ đưa ra định lượng nhiên liệu phun vào buồng đốt.

Công nghệ van biến thiên

Trên xe ôtô, hầu hết đều được áp dụng công nghệ này và được các hãng gọi bằng tên khác nhau như trên xe của Toyota gọi là VVT-i, Suzuki là VVT và Honda và VTEC. Công nghệ này lần đầu được áp dụng bởi Alpha Romeo từ những năm 1980 và được phổ biến dần về sau này.

Van biến thiên còn xuất hiện trên một số mẫu xe môtô, ban đầu là mẫu CB400 với công nghệ VTEC. Đến năm 1990, chiếc CB400 VTEC I đã giành được nhiều cảm tình từ người dùng bởi khả năng tăng tốc "ngọt lịm" ở vòng tua cao và tại vòng tua thấp thì vô cùng êm ái và tiết kiệm xăng. Ở thời điểm này, Yamaha đã trang bị van biến thiên VVA trên mẫu xe NVX mới nhất của hãng, đem lại sự khác biệt rõ rệt khi chạy đường trường.

Thông thường, một khối động cơ có hiệu suất làm việc mạnh mẽ ở vòng tua máy cao sẽ bị yếu ở vòng tua thấp và ngược lại.

Công nghệ van biến thiên được chế tạo ra để giải quyết vấn đề trên nhằm đảm bảo cho động cơ không tiêu tốn quá nhiều nhiên liệu mà vẫn tối ưu được hiệu suất ở mọi dải tua máy.

Động cơ thông thường sẽ có thời gian đóng/mở xupap theo quy luật nhất định của trục cam. Khiến lượng nhiên liệu đưa vào buồng đốt có thể thiếu hoặc vẫn chưa cháy hoàn toàn khi thải.

Van biến thiên sẽ có ít nhất 2 mức với độ cao khác nhau. Tuỳ theo dải vòng tua máy, việc đóng/mở xupap sẽ được thực hiện sớm hoặc trễ hơn, giúp tối ưu được lượng nhiên liệu vận hành.

Q.A

Nguồn
Link bài gốc