leftcenterrightdel
 

Trung tâm báo chí (MPC) và Trung tâm Truyền hình quốc tế (IPC) được xem như "trái tim" công tác truyền thông báo chí của Đại hội. Đây không chỉ là nơi tiếp đón, hướng dẫn, cung cấp các thông tin và dịch vụ cần thiết cho các phóng viên tác nghiệp, mà hơn thế, còn được xem là "mái nhà chung" của các phóng viên trong suốt tiến trình tham dự SEA Games 31.

Trung tâm báo chí, Trung tâm truyền hình quốc tế của SEA Games 31 được đặt tại tầng 3 Trung tâm Hội nghị quốc gia với diện tích khoảng 2.000 m2. Đây là nơi chào đón khoảng 3.000 phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại SEA Games 31, có khả năng phục vụ cho khoảng 600 phóng viên trong và nước ngoài làm việc cùng một lúc.

Tại Trung tâm báo chí được Ban tổ chức bố trí các khu vực dành cho phóng viên viết và phóng viên ảnh, phòng họp báo được bố trí 40 bàn và 40 laptop kết nối internet, hệ thống tai nghe phiên dịch 6 kênh.

Trung tâm báo chí còn được bố trí 6 màn hình nhỏ và 2 màn hình lớn xung quanh truyền hình trực tiếp các môn thi đấu, các nút mạng internet tốc độ cao kết nối máy tính của phóng viên, hệ thống phát sóng wifi, 5G cũng được triển khai đồng bộ, hiện đại để đảm bảo điều kiện cho phóng viên báo chí trong công tác truyền thông đưa tin về Đại hội nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Trung tâm truyền hình quốc tế là nơi sản xuất trực tiếp các chương trình trong khuôn khổ SEA Games 31 do Đài truyền hình Việt Nam (VTV) điều phối và được sự hỗ trợ của các quốc gia tham dự SEA Games cũng như truyền hình quốc tế được chia thành các gian booth truyền hình nhỏ, mỗi gian có diện tích khoảng 55m2, là khu vực làm việc của các hãng truyền hình trong và ngoài nước.

Trong đó có bố trí các gian tổng điều phối, sản xuất, trường quay, phòng điều hành, gian cho các hãng truyền hình đến từ Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philippines...

Trung tâm truyền hình quốc tế được đánh giá là đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe về không gian, nhiệt độ, cách âm để phục vụ cho các phóng viên tác nghiệp.

Ngoài ra, khu vực giải lao, nghỉ giữa giờ, phòng ăn cho phóng viên báo chí được bố trí độc lập, có lối vào ra riêng biệt theo yêu cầu đảm bảo an ninh an toàn. Lực lượng nhân viên và kỹ thuật viên hướng dẫn có mặt 24/24 giờ tại quầy tiếp nhận và hỗ trợ thông tin kịp thời cho các phóng viên báo chí khi có yêu cầu.

Trung tâm Hội nghị quốc gia cho biết công tác an ninh an toàn, phòng chống cháy nổ cũng được đảm bảo tuyệt đối cho kỳ SEA Games 31. Tất cả các lực lượng ra vào tòa nhà Trung tâm đều phải có thẻ do Ban tổ chức cấp, kiểm soát qua 2 lớp cửa an ninh đối với người và tài sản.

leftcenterrightdel
 

Lễ khai mạc SEA Games 31 sẽ được diễn ra trên sân Mỹ Đình vào ngày 12/5. Khi ngọn đuốc đại hội chưa được thắp sáng thì nhiều môn thể thao đã tranh tài, trong đó có bóng đá nam. Ngay từ những ngày qua, không khí SEA Games đã trở nên nóng rực khi đã có những môn thi đấu trước ngày khai mạc. Các vận động viên Việt Nam luôn cho thấy những nỗ lực không biết mệt mỏi với những giọt mồ hôi thấm đẫm trên sân tập, quyết tâm thắp lên hy vọng vàng cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 trên sân nhà. Tất cả mang trong mình khát khao tỏa sáng cùng thể thao Việt Nam trên bục nhận huy chương.

Hà Nội sẽ là địa điểm thi đấu chính của SEA Games 31, với 20 môn thi đấu diễn ra ở 12 quận, huyện của thành phố. Những ngày này, các tuyến đường phố Thủ đô đã rực rỡ cờ hoa, trang hoàng bằng những panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu… để chào đón các đoàn thể thao đến tranh tài.

Cùng với Hà Nội, 11 tỉnh, thành lân cận tổ chức các môn thi đấu của SEA Games 31 gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Bắc Giang cũng đã sẵn sàng cho ngày hội lớn nhất khu vực.

Q.C


Nguồn
Link bài gốc