Hủy V.League tác động mạnh tới toàn bộ nền bóng đá. Trong đó, những cầu thủ “vô danh” sắp hết hợp đồng, những cái tên trẻ mới lên V.League với mức thu nhập thấp là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả. Họ gặp nhiều sức ép về tài chính, không ít người đối diện nguy cơ thất nghiệp.

Một trong những số phận ấy là Bùi Ngọc Long, cầu thủ của CLB Quảng Ninh, thành viên tuyển U19 Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Ngọc Long mới ra mắt CLB Quảng Ninh mùa này và đã kịp chơi 4 trận tại giai đoạn một. Ảnh: Thúy.

Tháng 3 ra mắt V.League, tháng 8 đi làm công nhân

2021 là một năm vui buồn lẫn lộn với Ngọc Long. Cầu thủ sinh năm 2001 có trận ra mắt V.League dưới màu áo CLB Quảng Ninh khi gặp SLNA hồi tháng 3. Ngọc Long có thêm 4 lần vào sân tại V.League trước khi giải đấu tạm dừng vì dịch Covid-19. Đó là khởi đầu hứa hẹn với một cầu thủ 20 tuổi.

Nhưng ngày vui chẳng kéo dài được lâu. Đến đầu tháng 5, V.League tạm dừng vì dịch bệnh, Ngọc Long buộc phải trở về quê nhà Thanh Hóa cùng gia đình.

Chúng ta đã quen với mức thu nhập vài ba chục triệu, những khoảng thưởng trăm triệu, những hợp đồng tiền tỷ của nhóm ngôi sao hàng đầu. Nhưng họ chỉ là số rất nhỏ trong làng cầu thủ nội với hàng nghìn con người khác.

Ngọc Long mới lên V.League. Dù mang cái mác U19 Việt Nam, anh vẫn thuộc về số đông không may kia. CLB Quảng Ninh liên tục nợ lương, thưởng và tiền lót tay nhiều tháng qua. Với những cầu thủ từng có tích luỹ, họ có thể vượt qua khó khăn. Nhưng mức thu nhập của Ngọc Long chỉ rơi vào khoảng 2 triệu đồng/tháng và cũng đã bị nợ vài tháng, khiến cầu thủ này cảm thấy áp lực.

Tâm sự với Zing, Ngọc Long bảo: “Đôi khi nghĩ, tôi cũng rất buồn cho bản thân mình. Bao năm ăn tập bóng đá, giờ mình về ngồi không chẳng khác nào ăn bám gia đình. Nhưng tôi cũng phải chấp nhận thôi, tôi nghĩ chẳng riêng gì mình mà rất nhiều cầu thủ cũng gặp khó khăn. Tôi lại cố gắng đi tìm công việc thôi”, Ngọc Long buồn bã.

leftcenterrightdel
 Ngọc Long trong màu áo U19 Việt Nam. Ảnh: Thúy.

Đầu tháng 8, Long quyết định đi làm công nhân ở công ty may gần nhà. Nhưng chỉ sau khoảng chục ngày, chính bố mẹ cầu thủ này lại bắt anh nghỉ ở nhà do công việc này chiếm quá nhiều thời gian. “Nghe bố mẹ nói mà tôi ứa nước mắt. Bố mẹ lo tôi làm vất vả không tập thêm nổi, không duy trì được sức lực nên bảo tôi ở nhà phụ việc gia đình. Ông bà vẫn hy vọng mọi thứ chỉ là tạm thời để tôi có thể quay về với bóng đá”, Long tâm sự.

Thời điểm Long nghỉ việc cũng trùng thời điểm CLB Quảng Ninh chuẩn bị tập trung trở lại (theo lịch cũ). Tuy nhiên, biến cố dừng V.League và sự cố lương thưởng ở Quảng Ninh khiến Long không thể trở lại CLB. Trước đó, Long đã không được nhận lương từ tháng 4. Anh một lần nữa phải “chạy khắp thành phố Thanh Hóa” để tìm việc. Nhưng không dễ để các công ty nhận Long vào làm ở thời điểm khó khăn này.

Từ một tuyển thủ U19 Việt Nam, Ngọc Long giờ không được tập bóng, không được thi đấu, thậm chí không tìm được việc.

Không chỉ Ngọc Long, nhiều cầu thủ khác của Quảng Ninh cũng đang gặp khó khăn về kinh tế. Nguyễn Anh Tuấn (Đông Triều, Quảng Ninh) cũng đang phải làm giao hàng ở quê nhà. Một thành viên khác của đội bóng này làm cộng tác viên bán sim điện thoại và tài khoản ngân hàng số đẹp, có người đang tính đi lái taxi...

Từng đi làm phụ bếp, phục vụ bàn

Biến cố mùa này không phải lần đầu trong sự nghiệp, Ngọc Long phải nếm trải khó khăn trên đường đời.

Quê ở Quảng Lộc, Quảng Xương, Thanh Hoá, cầu thủ sinh năm 2001 đã sớm nếm trải những khó khăn của công việc đồng áng cùng gia đình. Ngày đến với bóng đá, Ngọc Long nghĩ đơn giản nếu mình được đi học bóng đá, bố mẹ sẽ không phải nuôi cơm, mình cũng không cần dùng đến tiền của gia đình.

Anh trúng vào lò đào tạo CLB Viettel trong một đợt tuyển quân ở xứ Thanh. Nhưng sau 7 năm, Ngọc Long phải chia tay đội vì hàng loạt chấn thương.

Rời CLB, Ngọc Long lăn lộn tìm cơ hội ở nhiều môi trường khác nhau. Nhiều phóng viên có lẽ không biết rằng họ từng gặp Ngọc Long ở căn tin Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). “Tôi từng phục vụ ăn uống cho rất nhiều anh chị phóng viên mà mọi người không để ý thôi. Có khi tôi nói ra, nhiều người không tin ấy chứ”, Long kể lại.

leftcenterrightdel
 CLB Quảng Ninh đối diện nguy cơ giải thể vì khủng hoảng tài chính. Ảnh: Quang Thịnh.

Đó là thời điểm năm 2018 khi U23 và U19 Việt Nam có nhiều đợt tập trung tại Hà Nội. Long tiếp tục: “Đó là quãng thời gian thực sự mệt mỏi với tôi. Khi ấy, tôi vừa bị trung tâm bóng đá Viettel thải loại vì gặp nhiều chấn thương. Tôi đã nghĩ rằng mình không có duyên và cũng chẳng còn hy vọng gì được đi đá bóng. Khi có một người cô giới thiệu để đi làm phục vụ, cũng là để bắt đầu một cuộc sống mới, tôi đã đồng ý. Ngày đó, tôi từng nghĩ bóng đá chỉ còn là chuyện vui”.

Nhưng căn tin VFF nằm sát cạnh sân tập của các đội tuyển. Long chẳng thể tập trung cho công việc khi chỉ cách đó vài bước, các đồng nghiệp đang hăng say với trái bóng. Được vài tháng, Long xin nghỉ việc. Anh bảo không muốn làm một công việc quá “gần gũi”, khiến anh không thể quên những chuyện buồn đã qua.

Cầu thủ trẻ này ở lại Hà Nội, đi làm phụ bếp cho một nhà hàng, thi thoảng "đá phủi". Số tiền kiếm được cũng đủ để anh trang trải cuộc sống.

Đến năm 2019, hy vọng mới trở lại với Ngọc Long khi anh được đội trẻ Quảng Ninh nhận về. HLV Phan Thanh Hùng khi đó đánh giá cao Ngọc Long ở tiềm năng, tốc độ và kỹ thuật. Ông cho rằng Long có thể thay thế Nghiêm Xuân Tú trong tương lai dài hạn. Một chương mới lại mở ra trong cuộc đời của Long.

Cũng bởi đã trải qua quá nhiều biến cố, Ngọc Long vẫn còn niềm tin vào tương lai. Anh bảo: “Mọi thứ khó khăn lắm nhưng tôi vẫn tự bảo mình không được nản lòng. Tôi rất vui khi nhiều anh lớn trong đội dù khó khăn nhưng vẫn giúp các cầu thủ trẻ, như anh Nguyên Sa đã giúp tôi cả về chuyện tập luyện rồi chuyện tài chính. Dù sao, tôi vẫn hy vọng CLB Than Quảng Ninh sẽ sớm vượt qua khó khăn, hy vọng bóng đá Việt Nam vượt qua giai đoạn này. Khao khát cống hiến cho đội bóng của tôi vẫn còn nguyên”.

Lâm Biên

Nguồn Zing News
Link bài gốc

https://zingnews.vn/tuyen-thu-u19-viet-nam-lam-cong-nhan-khi-vleague-huy-post1254560.html