leftcenterrightdel
 

Đừng để người làm từ thiện tự mò mẫm

Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho biết, vấn đề tọa đàm đặt ra đang được dư luận, báo chí quan tâm. Câu chuyện “sao kê” đang nóng hổi từ thực tiễn cuộc sống. “Mục đích của tọa đàm là cung cấp một kênh thông tin, tiếng nói chân thực, thắng thắn từ những người trong cuộc, thậm chí là những người đã và đang ở trong tâm bão dư luận…”, ông Lê Anh Đạt chia sẻ.

Cùng với 4 vị khách mời trên, tọa đàm dự kiến có sự góp mặt của nữ ca sĩ Thủy Tiên, người đang trong tâm bão dư luận, tuy nhiên, nhà báo Lê Anh Đạt cho biết, phút cuối ca sĩ Thuỷ Tiên thông báo có vấn đề sức khoẻ, cử luật sư đại diện tham gia. Nhưng cuộc toạ đàm không nhằm vào vấn đề cá nhân gây tranh cãi. Bởi vậy, sự có mặt của luật sư đại diện Thuỷ Tiên được BTC cho là không phù hợp.

leftcenterrightdel
MC Phan Anh tại tọa đàm 

Là người từng xuất hiện nhiều trên truyền thông với những câu chuyện liên quan đến từ thiện, MC Phan Anh chia sẻ, điều khó khăn nhất khi làm thiện nguyện cho cộng đồng là  bản thân phải tự phát hiện và chế ngự Tham- Sân- Si trong chính mình. Phan Anh kể, khi hỗ trợ bà con vào năm 2016, trong 1 ngày  anh nhận 8 tỉ đồng, liền tự nhủ mọi việc đang quá sức mình, có làm được không? “Nhưng tôi vẫn thích số tiền chảy vào tài khoản của mình, tức là thích sự ghi nhận của mọi người, thích sự tin tưởng của mọi người. Tôi “tham” sự ghi nhận của mọi người, tôi chỉ tin vào cá nhân. Sức mình có hạn, không lường trước vấn đề của mình”, Phan Anh nói.

Với ca sĩ Thái Thùy Linh, ngay từ những lần đầu tự đứng ra tổ chức chương trình thiện nguyện, nữ ca sĩ đã xác định nhiệm vụ là làm sao lan tỏa những giá trị, ý nghĩa cao đẹp, hiệu quả của thiện nguyện đến mọi người.  “Tôi đã đi qua những khó khăn để trả lời được câu hỏi: Vì sao làm từ thiện nhưng lại nhận được những lời thị phi và đồn đại ác ý?”, nữ ca sĩ nói.

Người trong cuộc thừa nhận, làm từ thiện mà chỉ có tâm thôi không đủ. Đó là con đường không dễ dàng nếu đi trên đó chỉ đơn thuần là những nghệ sĩ mà không có những chuyên gia hỗ trợ.

leftcenterrightdel
 Nữ ca sĩ Thái Thùy Linh

Dưới góc nhìn chuyên gia luật, TS Lưu Bình Nhưỡng bộc bạch, nhiều cử tri, người dân rất quan tâm về vấn đề làm từ thiện. Từ thiện tùy thuộc vào cái tâm, cái đức của mỗi người. Chúng ta cũng đã có các quy định liên quan đến việc làm từ thiện như Nghị định 64, Nghị định 93. “Làm từ thiện mang tính trách nhiệm xã hội. Dựa trên cơ sở uy tín của người nổi tiếng để làm từ thiện là tốt, không nên cấm cá nhân làm từ thiện, nhưng quan trọng là cần phải có cơ chế pháp lý để kiểm soát. Mặt khác, phải quy định những người đủ năng lực để làm, và làm theo cách nào, chứ không để cho người ta tự mò mẫm. Anh Phan Anh, chị Thủy Tiên hay chị Thái Thùy Linh thời gian qua làm từ thiện đều đang mò mẫm. Phải xã hội hóa để toàn xã hội được làm từ thiện. Đồng thời, phải có cơ sở pháp lý để xử lý, để những người làm từ thiện bám vào đó thực hiện, chứ không phải thích làm kiểu gì thì làm. Như vậy để tránh tình trạng trục lợi…”.

Chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện

Liên quan đến vấn đề minh bạch từ thiện được nhắc nhiều  với từ khóa “sao kê” trong những ngày qua, ca sĩ Thái Thùy Linh cho biết, hơn 10 năm nay, chị đã tổ chức rất nhiều chương trình thiện nguyện và mỗi chương trình đều có ban kế toán và kiểm toán. Quỹ càng lớn càng nhiều sự giám sát chéo. Trong chiến dịch “Người Việt thương nhau” mà nữ ca sĩ khởi xướng có ban kiểm toán gồm khoảng 7 tình nguyện viên ở những vị trí khác nhau và tất cả mọi người sẽ cùng kiểm tra chéo. Mọi thu chi không chỉ một người biết.

“Riêng phần thu vào, mới đây tôi có một tài khoản gọi là “Tài khoản minh bạch thiện nguyện”. Điều hay của tài khoản này là mọi người đều có thể vào xem sao kê 24/7, bất kì lúc nào, không cần mật khẩu. Mọi khoản tiền thu vào và chi ra đều minh bạch. Không ai phải réo tên ai sao kê khi mọi thứ đều minh bạch, tránh được nhiều hệ lụy và thị phi…”, Thái Thùy Linh cho biết.

leftcenterrightdel
  Luật sư, TS. Lưu Bình Nhưỡng

Nữ ca sĩ thừa nhận, khi công chúng đòi hỏi nghệ sĩ nhiều quá thì phải biết tối ưu nguồn lực. “Tôi chỉ là người đứng ra khởi xướng và kết nối mọi người làm. Điều này mang lại hiệu quả hơn rất nhiều so với việc tự mình làm tất cả.”

MC Phan Anh chia sẻ, anh ủng hộ tuyệt đối việc minh bạch trong mọi vấn đề, không chỉ trong từ thiện. Nam MC cho biêt anh đã  lập một website để mọi người muốn tìm hiểu có thể tìm hiểu, qua  từng giao dịch, chứng từ.  “Những nghĩa cử cao đẹp đáng ra cần được nhân lên thì tại sao nhiều người giờ đây lại vùi dập?. Tôi nghĩ rằng mọi người đều mong muốn điều tốt đẹp nhưng cách thức mọi người đang thực hiện có làm những người làm từ thiện thối chí hay không?”, Phan Anh đặt câu hỏi.

Các khách mời của tọa đàm đề cập đến câu chuyện làm từ thiện chuyên nghiệp. Phan Anh, Thùy Linh thừa nhận, “Cá nhân làm từ thiện thế nào cho đúng? là một câu hỏi khó”. Câu trả lời không nằm ngoài yếu tố chuyên nghiệp. “Mình là nghệ sĩ, mình không phải là kế toán nhưng mình cũng phải cố gắng, trong ê kíp của mình cũng phải có những người chuyên nghiệp để giúp mình làm đúng…”, Phan Anh bày tỏ.

leftcenterrightdel
 Luật sư, TS. Lê Ngọc Khánh

Đại tá, Luật sư, TS. Lê Ngọc Khánh khẳng định sự cần thiết của các hoạt động từ thiện, trong đó có hành trình thiện nguyện của các nghệ sĩ. Nếu các cá nhân làm tốt thì nhân dân ủng hộ. Làm tốt phải từ tâm, làm liêm chính, đúng quy định của pháp luật. Nếu không minh bạch, không trong sáng, không công tâm thì hẳn sẽ bị nghi ngờ. Theo luật sư Lê Ngọc Khánh, muốn làm từ thiện tốt trước hết phải có tâm, sau đó phải lập quỹ theo quy định của Nghị định 93. “Việc sao kê vừa rồi của các nghệ sĩ rất đúng, rất tốt nhưng chưa đủ đâu.  Sao kê cho biết  tiền vào ngân hàng và tiền ra khỏi ngân hàng. Nhưng khi tiền đã ra khỏi ngân hàng rồi thì làm sao có thể kiểm soát được…”, theo luật sư Khánh.

TS. Lưu Bình Nhưỡng nêu, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện các hoạt động từ thiện dựa trên các nền tảng, cơ sở pháp lý rõ ràng. Chúng ta có thể vận dụng các chính sách thiện nguyện dựa trên các nền tảng đó vào hoàn cảnh của chúng ta để xây dựng đạo luật về từ thiện. Ông Nhưỡng kỳ vọng sẽ có một đạo luật nhân văn ra đời. Đồng thời, cần có cơ sở pháp lý để điều chỉnh việc cá nhân làm từ thiện.

TS. Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, cá nhân làm từ thiện, muốn tránh thị phi là khó. Làm từ thiện tức là phải cầm tiền, mà tiền thì dễ gây thị phi. Bởi vậy, những người làm từ thiện cần phải rõ ràng, dựa trên nhu cầu của người nhận,đúng đối tượng. “Làm từ thiện đừng thấy thị phi mà từ bỏ. Muốn chống thị phi phải tiếp tục làm đúng…”, TS. Lưu Bình Nhưỡng nói.

Đại tá, TS Lê Ngọc Khánh nhấn mạnh: “Nếu không minh bạch thì không thể làm được gì.  Làm từ thiện, vấn đề là lòng tin. Nếu chưa minh bạch, chúng ta phải đối diện với dư luận. Đòi hỏi của dư luận là rất đúng. Vấn đề chúng ta có trong sáng hay không, có công tâm hay không. Nếu đủ cả sự trong sáng, cả sự công tâm thì đừng có sợ thị phi”.

Minh Ngọc

Nguồn Báo Văn hóa
Link bài gốc

http://baovanhoa.vn/giai-tri/van-hoc/artmid/486/articleid/45698/lam-tu-thien-khong-so-thi-phi