|
|
Buộc phải tát bạn diễn, nhưng NSƯT Trịnh Mai Nguyên lo ngại hành động này cổ xúy cho bạo hành trên màn ảnh |
“Tát như cơm bữa”
Nói không ngoa khán giả hễ bật tivi lại thấy cảnh tát, cãi vã, quát tháo từ phim Việt khung giờ vàng. Hương vị tình thân chiếu khung 21h trên VTV1 vừa gây xôn xao với cái tát thứ hai của ông Khang (NSƯT Trịnh Mai Nguyên) dành cho cô vợ tên Xuân (Quách Thu Phương) do mâu thuẫn mẹ chồng-nàng dâu. Không ít khán giả hả hê vì cái tát “đi vào lòng người” do đang sẵn ức chế với phát ngôn thiếu suy nghĩ của Xuân. Ở chiều ngược lại, một số khán giả bất bình với hành động đậm màu bạo lực gia đình này, bởi dù sao ông Khang là người trầm tĩnh, từng trải, có địa vị nhưng lại thiếu tinh tế khi luôn bênh mẹ, vùi dập vợ.
Khả Ngân vào vai Tuệ Nhi của 11 tháng 5 ngày đang phát sóng trên VTV3 cũng kịp ăn cái tát tối tăm mặt mũi ngay tập 5. Bộ phim xoay quanh hành trình trưởng thành, lập nghiệp của người trẻ đan xen với câu chuyện gia đình. Cái tát Khả Ngân phải chịu còn quá nhẹ nhàng so với những gì Quỳnh Kool từng chịu trong Hãy nói lời yêu. Xuyên suốt phim đề tài bạo lực gia đình này, nhân vật Hoàng My của Quỳnh Kool chịu đau đớn thật sự. Không tính cái liên hoàn tát ở cảnh bị đánh ghen oan ức do bị lừa, Quỳnh ăn tát thêm vài lần trong những lúc tranh cãi với bố mẹ. Nữ diễn viên kể, có hôm mở mắt ra tới bối cảnh quay phim liền được NSND Trọng Trinh (vai ông bố) tát tới tấp cho tỉnh ngủ.
|
|
Phim truyền hình đề tài gia đình Việt hiện nay có nhiều cảnh tát, bạo hành
|
Hướng dương ngược nắng - một phim gia đấu hút khán giả vừa kết thúc hồi tháng 5- có lẽ là một trong những phim có nhiều cú tát nhất. Điểm khác ở chỗ do phim đề cao nữ quyền nên phụ nữ lại được ra tay với phái mạnh. Bà Bạch Cúc (NSND Thu Hà) tát tới bốn lần dành cho bốn nhân vật nam khác nhau. Nam diễn viên Hồng Đăng (Kiên) được gọi là “chàng trai vàng trong làng ăn tát” với ba lần chịu tát do người yêu, mẹ người yêu, em gái cùng cha khác mẹ của người yêu “tặng”. Minh (Lương Thu Trang) có võ nên cũng nhiều lần thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với đàn ông với nhiều lí do khác nhau.
Cây táo nở hoa chiếu trên HTV2 làm lại từ kịch bản Hàn Quốc cũng giữ kỷ lục về số lượng cái tát và mức độ gây lộn. Không chỉ có những cái tát đơn thuần, phim còn gây ức chế triền miên trong suốt gần 70 tập phim với những màn giằng co, gây sự, mắng mỏ của phần lớn các nhân vật trong phim. Bộ phim thử thách sự kiên nhẫn của khán giả khi nhà làm phim liên tiếp tạo ra và kéo dài loạt tình tiết vô lí cực khó chịu. Bi kịch gia đình được đẩy tới mức khó chấp nhận.
Nghèo ý tưởng, đề tài
NSƯT Trịnh Mai Nguyên phải lên tiếng phân trần, giãi bày về cú tát thứ hai trong Hương vị tình thân. “Cái tát đó do biên kịch, đạo diễn yêu cầu để phù hợp kết cấu của câu chuyện. Tuy nhiên từ góc độ cá nhân, tôi không đồng tình với hành động này của ông Khang. Tôi không muốn cổ xúy cho bạo lực trên màn ảnh nhỏ. Người theo dõi phim sát sao cho rằng cái tát chính đáng, người xem lướt qua lại nghĩ hóa ra trên phim ảnh chồng vẫn đánh vợ như thường. Điện ảnh có giới hạn khác, với độ bao phủ khác, trong khi truyền hình hướng tới đông đảo đối tượng hơn. Tôi còn lo ngại hơn vì có một số hình ảnh bạo lực trên truyền hình bị bắt chước ở ngoài đời”, NSƯT Trịnh Mai Nguyên nói. Trước và sau khi quay các cảnh này, anh đều phải xin lỗi bạn diễn, vì không thể tát kỹ thuật được cho nên buộc diễn viên phải tát và ăn tát thật sự.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nêu quan điểm, nhà làm phim phản ánh đúng thực trạng có lẽ còn bạo lực hơn, nhưng phim ảnh không chỉ có nhiệm vụ phản ánh xã hội, mà còn có trách nhiệm định hướng, dẫn dắt xã hội nữa. “Những phim chiếu ở giờ mà trẻ em hay người già còn thức, thì nên được định hướng đề tài, tiết chế những cảnh bạo lực hay phản văn hoá”, biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.
|
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã phân tích, tình huống do kịch bản, hoặc do đạo diễn thấy cần nhấn mạnh nhằm gây cảm xúc mạnh mẽ thì dùng tới cái tát. “Gần đây phim truyền hình hướng đến khai thác những éo le trong đời sống gia đình hoặc sự lộng hành của xã hội đen. Rất hiếm những bộ phim chính luận, phim đề cập văn hoá truyền thống, đề tài nông thôn theo hướng thâm trầm sâu sắc như hướng nghiệp hay sự gắng gỏi bảo toàn sự gắn kết gia đình chẳng hạn… Với hướng khai thác như thế thì tránh sao được những cú tát hay bạo lực nói chung? Lỗi là ở chỗ phim truyền hình quá bó hẹp đề tài khai thác nên khiến cho những hình ảnh này cùng lúc diễn ra trên các kênh, trở nên đậm đặc”, biên kịch Trịnh Thanh Nhã nói.
Nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt chỉ ra vấn đề quá nhiều cảnh tát và đậm yếu tố bạo hành trong nhiều bộ phim chính là do các biên kịch, đạo diễn thích tạo kịch tính cho các nhân vật, mà cách dễ nhất là sử dụng bạo lực tay chân để làm cho khán giả bực bội, mà càng bực bội lại càng xem thêm. “Không những thế, nhiều phim đề tài gia đình Việt gần đây bi kịch hóa hơi quá, không thật trong mắt khán giả dù họ vẫn xem phim. Tôi nghĩ có nhiều giải pháp để tạo căng thẳng, kịch tính chứ không chỉ đơn thuần dùng cái tát để giải quyết vấn đề. Thật ra giơ tay định tát mà không tát cũng là dạng bạo hành rồi. Ngôn ngữ, ánh mắt, biểu cảm nếu biết cách dùng cũng là giải pháp thể hiện sự bạo hành”, Phong Việt nói.
Nguyên Khánh