|
|
Hà Nội có “mỏ vàng” với nhiều di sản để phát triển du lịch. |
Tháng 10/2019, Hà Nội trở thành 1 trong 246 thành phố thuộc “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO. Với bề dày lịch sử nghìn năm, giàu và đậm đặc bản sắc văn hóa truyền thống, Hà Nội còn là nơi quy tụ nhiều nhân tài – đó là tiềm năng và lợi thế, để thực hiện phát triển công nghiệp văn hóa.
Hà Nội không tương phản
Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; 1.350 làng nghề và làng có nghề. Hà Nội cũng là nơi hội tụ đông đảo các chủ thể sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp.
Dù có nhiều tiềm năng lợi thế, con đường vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa, định vị sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội ở các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa còn rất khó khăn và nhiều lúng túng.
Vào ngày 28/11 vừa qua, nhằm cụ thể hóa các chương trình, xác định rõ kế hoạch và cơ chể chính sách thúc đẩy thành phố sáng tạo. Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực Văn hóa Thủ đô” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, Hà Nội đã rất nỗ lực, tự hào khi trở thành địa phương đầu tiên của Việt Nam ở lĩnh vực thiết kế. Tuy nhiên, trải qua 2 năm và đến giờ phút này, khái niệm ấy vẫn còn mờ nhạt.
Bà Phương cho rằng, ở góc độ nghiên cứu luôn trăn trở phải làm thế nào tiếp tục cho khái niệm này có thể lan toả. Việc đầu tiên mà các nhà khoa học và giới lãnh đạo cần làm là sửa cụm từ “Hà Nội là sự tương phản”, mà chuyên gia quốc tế hay dùng khi nói về Hà Nội.
“Hà Nội không phải là một thành phố của sự tương phản. Tất cả nghiên cứu trong quá trình xây dựng hồ sơ đều cho thấy Hà Nội là nơi gặp gỡ Đông Tây, có nhiều lớp lịch sử để tạo nên nét riêng biệt. Vì vậy, nếu chúng ta không sửa phần này, thì đến khi chúng ta báo cáo với UNESCO sẽ không phản ánh đúng hồ sơ của mình”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết.
Giới chuyên gia cũng đưa ra dẫn chứng có một cuộc khảo sát cho thấy, 67% những người làm về văn hóa, về sáng tạo nhưng không hiểu “Thành phố sáng tạo” là gì? Bởi vậy ngoài việc lan toả khái niệm, cần tập trung 4 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô, đồng thời phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Hà Nội.
“Mỏ vàng” di sản
Kinh nghiệm từ nhiều thành phố trên thế giới phát triển công nghiệp văn hóa tạo ra “sức mạnh mềm” cho địa phương và đất nước. Thành phố Bangdung (Indonesia) vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế nhờ phát triển ngành công nghiệp thời trang với sản phẩm chủ đạo là áo thun.
Ở Anh, công nghiệp sáng tạo năm 2016 đem lại 84,1 tỉ bảng Anh, chiếm 5,2% GVA (tổng giá trị gia tăng) của toàn nền kinh tế Anh. Trung Quốc năm 2015, giá trị gia tăng của công nghiệp văn hóa là 2723,5 tỉ NDT, chiếm 3,97% GDP.
Còn ở Nhật Bản, công nghiệp văn hóa góp phần tăng trưởng GDP với doanh thu ròng hàng năm chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế, và thu hút 5% nhân công lao động của toàn quốc.
Với Hà Nội, các chuyên gia nhận định có những yếu tố tiềm năng trở thành thành phố công nghiệp văn hóa của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Với hệ thống hàng nghìn di sản dày đặc, mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công cùng cộng đồng sáng tạo phong phú.
Hà Nội được tư vấn nên tập trung thực hiện 4 nhóm phát triển công nghiệp văn hóa, gồm: Làng nghề truyền thống; Nghệ thuật biểu diễn; Du lịch văn hóa và Giáo dục sáng tạo trong nhà trường. Các nhóm phát triển này phần lớn đều có thể dựa trên “nguồn vốn” dồi dào là những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Hà Nội với 5.922 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện… là cơ sở bền vững giống như “mỏ vàng” cho phát triển du lịch văn hóa.
Những hạ tầng cơ sở cho sự phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội vẫn có thể được nhìn thấy trong nhiều công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời, như Hoàng thành Thăng Long hay các công trình kiến trúc đa dạng như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Sự đa dạng của các sản phẩm thủ công, như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố. Đây chính là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng của Hà Nội, để lưu giữ truyền thống - định hình hiện tại - hướng tới tương lai, tạo sức mạnh thúc đẩy công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng có một số điểm yếu được nhìn nhận: Các sản phẩm văn hóa chưa đa dạng, chưa bản sắc và xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế.
Hà Nội cũng chưa nhận diện được giá trị văn hóa từ di sản một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hóa, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa.
Thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn chưa hợp lý và thiếu những liên kết chuyên ngành, hiệu quả cao.