leftcenterrightdel
GS.TS.NSND. Ngô Văn Thành và Dàn nhạc dây 140 em học sinh sinh viên của Học viện trình diễn tác phẩm "Trở về đất mẹ" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Ảnh: Hồ Hồng Dung 

Chủ trương cứng nhắc

Công văn số 3216/BGDĐT-GDTX ngày 2/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công văn số 2785/SGDĐT-GDTX-CN ngày 5/8/2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội yêu cầu Học viện phải “phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) trên địa bàn, tổ chức giảng dạy văn hóa đối với học viên của các trường đào tạo nghệ thuật có nguyện vọng học Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THCS để xét tốt nghiệp THCS, cấp bằng tốt nghiệp THCS hoặc học Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, cấp bằng tốt nghiệp THPT”.

Mấy chục năm qua và hiện nay, trong Học viện có Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản, dạy các cấp học từ lớp 6 đến lớp 12. Hoạt động này đặt dưới sự chỉ đạo chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Đống Đa và được cấp mã định danh HVANQG. Chất lượng đào tạo những năm qua đều rất tốt, điều đó thể hiện ở tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm rất cao (năm 2020 đạt 100%, và năm 2021 đạt 99%).

Theo công văn của ngành Giáo dục và Đào tạo trên đây thì ngay lập tức từ năm học 2021-2022 việc chủ trì, quản lý công tác đào tạo văn hóa của Học viện phải được chuyển ra một Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn. Thông tin này gây choáng váng và lo lắng lan ra khắp các phụ huynh học sinh trong toàn Học viện, từ Hà Nội đến các tỉnh xa. Học sinh của Học viện là học sinh năng khiếu, đặc thù, đến từ mọi địa phương trong cả nước, bắt đầu từ hệ sơ cấp, học lớp 6 phổ thông.

Trong đơn kêu cứu của tập thể phụ huynh học sinh gửi các cơ quan có thẩm quyền và báo chí, các phụ huynh nêu rõ quan điểm lo lắng, không đồng tình và kiến nghị giữ ổn định. Học sinh năng khiếu không giống đối tượng chung của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trong cả nước. Học sinh học âm nhạc song song với học văn hóa, nên rất cần được học trong cùng một trường, để bảo đảm sự phối hợp hài hòa giữa hai lĩnh vực.

Các con vừa học vừa phải thực hành là tham gia biểu diễn để nâng cao trình độ chuyên môn, nhất là các dịp lễ tết, học sinh có thể tham gia các đoàn đi biểu diễn ở nhiều tỉnh, thậm chí tham gia chương trình quốc tế… Những trường hợp đó các thầy cô giáo dạy văn hóa dễ dàng điều chỉnh, thay đổi lịch học để bảo đảm yêu cầu hài hòa giữa dạy âm nhạc và dạy văn hóa với mỗi học sinh.

Nếu thay đổi mô hình hiện nay, chuyển việc học văn hóa ra khỏi Học viện, tức là hai bên tách biệt nhau, thì chắc chắn cả việc học âm nhạc và việc học văn hóa đều bị ảnh hưởng tiêu cực.

Thành lập trường phổ thông năng khiếu

Trong diễn biến khác, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đang khẩn trương xúc tiến Đề án thành lập trường phổ thông năng khiếu âm nhạc trực thuộc Học viên, theo quy định của Luật Giáo dục, nhằm mục tiêu thu hút học sinh yêu thích âm nhạc, bồi dưỡng, đào tạo, tạo điều kiện để hình thành, phát hiện các tài năng âm nhạc trong cả nước, tạo nguồn cho đào tạo tài năng âm nhạc đỉnh cao. Như vậy, việc giáo dục, đào tạo của Học viện có sự kế thừa liên tục, bảo đảm chất lượng đào tạo môn năng khiếu và văn hóa phổ thông trong trường.

Hơn nữa, tại Công văn số 2663/VPCP-KGVX, ngày 19/4/2021 của Văn phòng Chính phủ, thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đào tạo đặc thù, chuyên sâu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cũng đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan đề xuất với Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn trong Quý IV năm 2021.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật thuộc các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng mang tính đặc thù kết hợp giữa đào tạo nghệ thuật với đào tạo văn hóa cho đến khi Nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu, đặc thù trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành.

Do đó, các phụ huynh học sinh Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tha thiết kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chờ Nghị định mới của Chính phủ và tạo điều kiện để Học viện thành lập trường phổ thông năng khiếu âm nhạc.

Nếu thực hiện ngay theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc học tập của học sinh Học viện bị đứt gãy và học sinh sẽ phải nhận thêm bằng của Trung tâm Giáo dục thường xuyên, rất bất tiện cho học sinh học lên các bậc học cao hơn hoặc đi học nước ngoài. Đây là điều lo lắng, không đồng tình lớn nhất đối với các phụ huynh.

“Điều đáng quan tâm nữa là bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập của học sinh cũng như sinh kế của nhiều gia đình, hơn lúc nào hết, giai đoạn này chúng tôi cần ổn định, hạn chế những lo lắng phát sinh”, các phụ huynh đề nghị.

Các phụ huynh và dư luận hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo dành sự quan tâm sâu sát đến đặc thù của đào tạo âm nhạc, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, tạm dừng việc chuyển đổi mô hình giảng dạy văn hóa từ Học viện sang Trung tâm GDNN - GDTX để bảo đảm sự ổn định lâu dài, tránh xáo trộn, đứt gãy đối với nhà trường, học sinh và phụ huynh học sinh.

Lê Xuân Mai
Nguồn Pháp luật Việt Nam
Link bài gốc

https://baophapluat.vn/phu-huynh-hoc-sinh-cua-hoc-vien-am-nhac-quoc-gia-viet-nam-keu-cuu-post408576.html